Cây dược liệu cây Ổ vẩy, Ráng quần lân có mũi - Lepidogrammitis rostrata (Bedd.) Ching (Polypolium rostratum Bedd.)

Theo Đông Y, Ổ vẩy Vị hơi đắng và ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt lợi thủy, trừ phiền, thanh phế khí. Thường dùng trị: Viêm tiết niệu, sỏi; Ho, viêm phế quản; Ðánh trống ngực, tâm phiền...

1. Cây Ổ vẩy, Ráng quần lân có mũi - Lepidogrammitis rostrata (Bedd.) Ching (Polypolium rostratum Bedd.), thuộc họ Ráng - Polypodiaceae.

Cây Ổ vẩy có tên khoa học: Lepidogrammitis rostrata là một loài thực vật có mạch trong họ Polypodiaceae. Loài này được (Bedd.) Ching miêu tả khoa học đầu tiên năm 1964.

Cây Ổ vẩy

2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Ổ vẩy

Mô tả: Thân rễ hình sợi, bò dài, có vẩy rất thưa hoặc gần như trần; vẩy hình ngọn giáo nhọn, gốc rộng, thắt đột ngột thành một đầu hình roi. Lá rất cách xa nhau, có cuống ngắn, hình bầu dục, dài 5-10cm, rộng 2-3cm, đầu nhọn hình mỏ, gốc thắt dần về phía cuống lá, đôi khi gồm hai dạng; cấu trúc hơi nạc, màu lục nhạt, gân không rõ mấy. ổ túi bào tử gắn giữa mép và sống lá, tròn, sắp xếp chủ yếu ở ngọn lá. Bào tử hình trái xoan, không màu, nhẵn.

Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Lepidogrammatidis.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Ấn Ðộ, Mianma và các nước Ðông Dương. Ở nước ta, cây mọc trong rừng núi cao Sapa, Ba Vì, Tam Ðảo ở phía Bắc và vùng Ðồng Trị, Bạch Mã, Bà Na... Ở phía Nam. Thu hái quanh năm. Rửa sạch, phơi khô cất dành.

Tính vị, tác dụng: Vị hơi đắng và ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt lợi thủy, trừ phiền, thanh phế khí.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: 

Thường dùng trị: 

1. Viêm tiết niệu, sỏi; 

2. Ho, viêm phế quản; 

3. Ðánh trống ngực, tâm phiền. 

Liều dùng 15-25g. Dạng thuốc sắc. 

Trong những trường hợp suy nhược dùng phải cẩn thận.

Ðơn thuốc (ở Trung Quốc):

1. Viêm đường tiết niệu, sỏi: ổ vẩy, Ðậu vẩy ốc (Kim tiền thảo) mỗi vị 15g, Hải kim sa 9g sắc uống.

2. Viêm khí quản: ổ vẩy, Thạch vi, mỗi vị 15g, sắc uống.