1.Chốc mép là gì?
Đây là bệnh da liễu và có khả năng lây cho người khác nếu có tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung dụng cụ (khăn rửa mặt, son môi…).
Nguyên nhân gây chốc mép:
- Virus: Thường gặp là virus herpes - cũng là nguyên nhân gây chốc mép chiếm tỉ lệ cao nhất và dễ tái phát.
- Vi khuẩn: Thường gặp là tụ cầu vàng, liên cầu.
- Nấm: Chủ yếu là nấm candida.
Ngoài ra, khi cơ thể thiếu một số vi chất như vitamin B12, vitamin PP (là một dạng của vitamin B3, hay còn gọi là niacin), vitamin C… cũng có thể gây ra tình trạng chốc mép. Với nguyên nhân này thì không cần dùng thuốc đặc trị mà chỉ cần có chế độ ăn giàu các vitamin nêu trên hoặc bổ sung vitamin dạng thuốc, tình trạng chốc mép sẽ hết.
Chốc mép hay lở mép (tên tiếng Anh là angular cheilitis), là tình trạng da ở một hoặc cả hai bên mép bị nứt và đau do viêm.
2. Điều trị chốc mép
Tùy nguyên nhân gây ra chốc mép sẽ sử dụng thuốc khác nhau. Để phân biệt chốc mép do đâu cần nhìn vào các tổn thương, tốt nhất là đi khám ở chuyên hoa da liễu.
2.1 Điều trị chốc mép do virus
Biểu hiện ban đầu thấy xuất hiện vết nứt, rát, ngứa ở hai bên mép. Sau đó lan dần ra môi, có nốt mụn nước. Sau đó có thể chảy máu, đỏ, da môi sần, có vảy…
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị dứt điểm chốc mép do virus gây ra. Đây là nguyên nhân khiến ai đã bị chốc mép do virus sẽ dễ tái phát bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi (trạng thái mệt mỏi, khí hậu, môi trường…).
Tuy nhiên, có thể bôi thuốc kháng virus như acyclovir để giảm bớt triệu chứng đau, ngứa do bệnh gây ra và phòng bệnh lan rộng.
Acyclovir dạng kem nên được thoa ngày 4-5 lần, mỗi lần cách nhau 4 tiếng. Lấy 1 lượng kem vừa đủ thoa một lớp mỏng lên tổn thương. Không thoa lượng thuốc nhiều quá, không thoa rộng ngoài tổn thương. Nên thoa thuốc sau ăn và đã vệ sinh sạch vùng da tổn thương cần thoa thuốc.
Thuốc nên dùng từ 5-10 ngày, tùy theo tổn thương đã khỏi hay chưa. Thuốc khá hiệu quả với virus herpes và giúp nhanh lành bệnh. Tuy nhiên quá trình dùng thuốc có thể gặp phải tác dụng phụ: Nóng rát, nhói đau, nổi ban.
Trường hợp chốc mép nặng, dùng thuốc tại chỗ không hiệu quả và có triệu chứng nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc đường toàn thân, kết hợp với một số thuốc khác.
2.2 Điều trị chốc mép do vi khuẩn
Các mụn nước xuất hiện trên da quanh vùng miệng, mũi, mép. Mụn nước dễ vỡ, rỉ nước, thậm chí có mủ… Tổn thương đóng vảy dày, gây đau và ngứa.
Để điều trị, trước khi thoa bất kỳ thuốc nào, cần vệ sinh tổn thương bằng dung dịch kháng khuẩn như xanh methylen, castelani… sau đó bôi thuốc mỡ kháng sinh.
- Thuốc mỡ mupirocin: Được chỉ định trong điều trị tại chỗ các nhiễm khuẩn da (chốc mép, viêm nang lông, nhọt…). Thuốc khá hiệu quả trong quá trình điều trị chốc mép do vi khuẩn.
Nên rửa sạch tay trước và sau khi thoa thuốc. Lấy một lượng thuốc vừa đủ, thoa 1 lớp mỏng lên tổn thương, 2-3 lần/ngày, sử dụng trng 7 ngày. Thoa thuốc sau khi ăn và vệ sinh sạch sẽ. Thuốc có thể gây tác dụng phụ bỏng rát tại chỗ thoa thuốc.
Lưu ý không dùng thuốc cùng lúc với một loại thuốc dùng tại chỗ để trị chốc mép khác, vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ.
- Acid fusidic: Thường được chỉ định phối hợp cùng một thuốc kháng viêm steroid để điều trị nhiễm khuẩn ngoài da. Thuốc có khả năng thấm sâu vào da nên được chỉ định cả tổn thương nông trên bề mặt da và cả tổn thương sâu dưới lớp biểu bì. Chỉ định chốc mép do nhiễm tụ cầu, liên cầu mang lại hiệu quả khá cao. Thuốc nên dùng trong 7 ngày, mỗi ngày 2-3 lần.
Khi sử dụng thuốc lưu ý không để thuốc vương vào trong miệng dẫn đến nuốt thuốc. Thuốc có thể gây ra phản ứng dị ứng quá mẫn. Nếu gặp phải tình huống này cần ngưng thuốc ngay và báo với bác sĩ.
Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người già… cần thận trọng, không dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Kem bôi chứa kháng sinh erythromycin: Thuốc được sử dụng để điều trị chốc mép khá hiệu quả. Cách sử dụng thuốc cũng tương tự như các kháng sinh nêu trên. Tác dụng không mong muốn có thể gặp là khô da, tăng nhạy cảm, ngứa ngáy, da tróc vảy, nổi ban, da nhờn, cảm giác rát bỏng.
Nếu thoa kháng sinh mà bệnh không đỡ hoặc có dấu hiệu lây lan, người bệnh có thể cần điều trị bằng kháng sinh đường uống. Kháng sinh đường uống cần dùng đủ 7 ngày. Không tự ý thêm liều hoặc bỏ liều, nếu có bất thường sau khi uống thuốc cần ngừng thuốc và thông báo cho bác sĩ.
Chốc mép là bệnh có khả năng lây nhiễm. Con đường lây truyền là do tiếp xúc trực tiếp với các tế bào tổn thương của người bệnh hoặc dùng đồ nhiễm bẩn, chứa tác nhân gây bệnh mà trước đó bệnh nhân đã chạm vào như đồ chơi, quần áo, chăn gối…
2.3 Điều trị chốc mép do nấm
Chốc mép do nấm thường gây ra triệu chứng ngứa, khô, sần ở mép và trên môi.
Có thể dùng các thuốc sau:
- Ketoconazole: Thuốc có khả năng ức chế hoạt tính của nấm, tiêu diệt tế bào nấm. Trong điều trị chốc mép, sau khi vệ sinh sạch vùng bị chốc và rửa sạch tay, lấy một lượng kem vừa đủ và thoa một lớp mỏng lên vùng da tổn thương. Nên thoa ngày 2 lần sau ăn. Thuốc dùng ít nhất 1 tuần và không được dùng thuốc quá 4 tuần.
- Clotrimazol: Thuốc có khả năng làm làm thay đổi tính thấm của màng tế bào nấm và gây mất các chất thiết yếu nội bào dẫn đến tiêu hủy tế bào nấm.
Cách sử dụng thuốc tương tự như ketoconazole.
Lưu ý: Các trường hợp chốc mép do bất kỳ nguyên nhân gì, nếu tái phát thường xuyên, bệnh nhân cần chủ động khi khám ở chuyên khoa da liễu để được kiểm tra và loại bỏ các tác nhân nguy hiểm.
Nhiều người đã nghe đến bệnh chốc mép nhưng không phải ai cũng biết được những thông tin cơ bản về nó. Chốc mép là bệnh gì, có nguy hiểm không, điều trị như thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bài viết trên đã cung cấp thông tin chi tiết cho người bị bệnh chốc mép để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
ThS.Nguyễn Thị Lan Anh (Theo suckhoedoisong.vn)