1. Cây Rau khúc. Rau khúc vàng - Gnaphalium affine D.Don (G.multiceps Wall.) thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Hoa cây Rau khúc - Gnaphalium affine
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Rau khúc
Mô tả: Cây thảo mọc hằng năm, có lông như nhung. Lá mọc so le, không cuống, có phiến hẹp dài, dài 2,5-4,5cm, rộng 0,2-0,4cm. Cụm hoa ở ngọn các nhánh, dày, to vào cỡ 2cm; hoa đầu to 2-3mm.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Gnaphalii Affinis, thường gọi là Thử khúc thảo.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam. Thường gặp trong các ruộng hoang, nhất là ở miền Bắc nước ta. Thu hái toàn cây vào mùa xuân, rửa sạch dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Thành phần hóa học: Trong cây có tinh dầu, có luteolin -4-glucoside, stigmatosterol gnaphalin, 2'.4.4'-trihydro-6'-methoxychalocone-4'-b-D-glucopyranoside.
Tính vị tác dụng: Rau khúc có vị hơi ngọt, tính bình, thư phế chỉ khái, điều kinh và hạ huyết áp.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá có thể làm rau ăn, người ta cũng dùng đồ với gạo nếp làm bánh Khúc.
Cây thường dùng trị:
1. Cảm sốt, ho, viêm khí quản mạn, hen suyễn có đờm;
2. Tiêu máu cấp;
3. Phong thấp tê đau;
4. Huyết áp cao.
Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài trị chấn thương bầm giập, trị rắn cắn lấy lá tươi giã đắp, rịt.
Đơn thuốc:
1. Cảm sốt, ho, viêm họng, hen suyễn, nghịch đờm: Rau khúc khô 30g sắc uống, hoặc thêm Gừng, Hành, mỗi vị 10g cùng sắc.
2. Viêm khí quản mạn tính: Rau khúc 15g,Khoản đông hoa,Tỳ bà diệp, Hạt mơ, mỗi vị 10g, cùng sắc nước uống.
3. Rắn cắn: Giã lá tươi Rau khúc đắp, rịt.
3. Cây rau khúc
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Gnaphalii Affinis, thường gọi là Thử khúc thảo.