Cây Nhân Trần (Adenosma caerulea R.Br.)

Nhân trần còn có tên gọi khác như Chè cát, Chè nội, Tuyến hương, Hoắc hương núi tên khoa học là Adenosma caerulea R.Br. Cây được sử dụngToàn cây (Herba Adenosmatis caerulei).

Thông tin nhận biết cây Nhân Trần

Tên tiếng Việt: Nhân trần; Tuyến hương lam; Chè nội; Chè cát, Nhân trần việt nam

Tên Khoa học: Adenosma caeruleum R. Br.

Tên khác: Adenosma caeruleum var. urticifolium Bonati, Adenosma caeruleum var. racemosum Bonati, Adenosma glutinosum (L.) Druce var. caeruleum (R. Br.) Tsoong, Adenosma cordifolium Bonati,;

Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

Mô tả cây: Cây có thân mọc đứng cao 40 - 100cm, đơn hoặc hơi phân nhánh, hình trụ, phủ lớp lông dài có tuyến. Lá có cuống 0,5 - 3cm, có lông tuyến khá rõ; phiến hình trứng thuôn, dài 3 - 9cm, rộng 1,5 - 6cm nhọn sắc ở đầu, hình nêm tới tròn, có khi hình tim ở gốc, mép khía răng kép, có lông ở cả hai mặt.

Cụm hoa ở ngọn thành chùm có lá và thưa hoa, cuống hoa mảnh; lá bắc dưới dạng lá và càng lên càng nhỏ dần và hẹp lại; lá bắc con dạng sợi. Đài cao 7 - 8mm, phủ lông tuyến khá rõ; 3 lá đài ngoài hình ngọn giáo hẹp tù, 2 cái trong hình dải gần nhọn. Tràng cao 8-25mm, màu tím, có lông ở mặt ngoài; môi trên thuôn tròn hay hơi lõm ở đỉnh, thùy của môi dưới thuôn hẹp.

Quả nang hình nón, dạng trứng, cỡ 7x5mm.

Loài này phân bố ở Ấn Độ, Xri Lanca, Nam Trung Quốc, Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia đến Ôxtrâylia. Ở Việt Nam, cây mọc khắp nơi từ Yên Bái, Cao Bằng vào tới Tây Ninh.

Tim hiểu chi tiết thêm: Cây dược liệu cây Nhân trần - Adenosma caeruleum

Mẫu thu hái tại: Mẫu thu hái vào tháng 06 năm 2009, tại Văn khúc – sông Thao – Phú Thọ.

Cỏ cao khoảng 60 cm. Tiết diện thân gần tròn, màu xanh ở thân non, màu xanh tía ở thân già; có nhiều lông mềm màu trắng, toàn cây có mùi thơm. Lá đơn, mọc đối. Phiến lá hình trứng, đầu thuôn nhọn, bìa phiến có răng cưa, màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới, kích thước 5 – 7 x 2 – 3 cm. Gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá hình lòng máng, màu xanh, dài 0,5 – 1,3 cm. Cả 2 mặt lá và cuống lá có nhiều lông màu trắng, mặt dưới phiến lá có nhiều đốm tuyến. Cụm hoa: hoa mọc riêng lẻ ở nách lá phía ngọn cành. Hoa không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa hình trụ dài 0,3 cm, màu xanh, có nhiều lông màu trắng. Lá bắc giống lá thường nhưng kích thước nhỏ hơn; 2 lá bắc con hình thuôn dài màu xanh, có nhiều lông màu trắng, kích thước 0,7 x 0,01 cm. Lá đài 5, không đều, rời, hình thuôn dài, màu xanh, kích thước 0,6 – 0,9 x 0,1 – 0,3 cm. Tiền khai: lá đài sau ở ngoài, 2 lá đài 2 bên ở trong, 2 lá đài trước đặt cạnh nhau. Cánh hoa 5, không đều, màu tím, dính nhau bên dưới thành ống cao 1cm, phía trên chia 2 môi 2/3. Môi trên hình bầu dục gần tròn, kích thước 0,5 x 0,4 cm; môi dưới chia 3 thùy. Tiền khai: 2 cánh hoa sau phủ lên 2 cánh bên, 2 cánh bên phủ lên cánh hoa trước. Trên lá đài và cánh hoa có nhiều lông màu trắng. Nhị 4, rời, không đều, 2 nhị dài, 2 nhị ngắn, đính gần đáy ống tràng xen kẽ cánh hoa. Bao phấn 2 ô màu vàng, kích thước dài 1 mm, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Chỉ nhị dạng sợi, nhị dài 0,9 cm, nhị ngắn 0,7 cm, màu trắng. Hạt phấn hình cầu hoặc hình bầu dục, rời, màu vàng, kích thước 25 µm, có rãnh dọc và vân hình mạng. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn lồi. Bầu noãn có tiết diện hình elip, màu xanh. 1 vòi nhụy hình sợi, màu trắng, đính ở đỉnh bầu. 1 đầu nhụy dạng điểm. Quả nang, hình trứng, dài 7 mm, màu xanh, mang đài tồn tại, khi chín tự mở thành 2 mảnh. Hạt nhiều, nhỏ.

Cây Nhân trần - Adenosma caeruleum R.Br. (Adenosma glutinosum (L.) Druce, thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae.

Hoa thức và Hoa đồ:

Nhân dân thường dùng Nhân trần làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Nước sắc cây này có tác dụng tiêu, kích thích ăn uống và bổ máu. Cũng dùng kết hợp với quả Dành dành chữa bệnh viêm gan vàng da, một bệnh thường phát sinh ở trẻ em.

Tiêu bản:

Ở Trung Quốc người ta dùng cây này để chữa: 1. Giai đoạn đầu của bệnh bại liệt trẻ em, thấp khớp đau nhức xương; 2. Đau dạ dày; 3. Rắn cắn, đòn ngã tổn thương, viêm mủ da; 4. Eczema, mày đay.

Đặc điểm giải phẫu:

Vi phẫu thân

Vi phẫu hình đa giác hay gần tròn, ở thân non có 4 u lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, rải rác có lỗ khí, lỗ khí nằm hơi nhô lên so với tế bào biểu bì. Có nhiều lông che chở đa bào dài vách mỏng (2 – 7 tế bào). Có 3 loại lông tiết: chân đa bào, đầu đơn bào; chân đơn bào, đầu đa bào (2,4 tế bào); lông tiết chân đơn bào, đầu đơn bào hình phễu. Mô dày góc, 1 – 2 lớp tế bào gần tròn, hoặc hơi đa giác. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào gần tròn, đa giác hoặc hình bầu dục, kích thước không đều. Nội bì khung caspary là 1 lớp tế bào hình chữ nhật xếp khít nhau, kích thước bắng ½ tế bào mô mềm vỏ. Trụ bì, 1-2 lớp tế bào hình đa giác xếp khít nhau, kích thước bắng ½ tế bào nội bì, hóa mô cứng thành 1 vòng không liên tục. Hệ thống dẫn gồm: libe 1 xếp thành từng đám, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, xếp lộn xộn; libe 2, 2 – 3 lớp tế bào xếp xuyên tâm. Mạch gỗ 2 ít, thường xếp thành từng dãy; mô mềm gỗ 2 tế bào hình vuông hoặc chữ nhật, vách dày. Gỗ 1 phân bố rải rác quanh vi phẫu. Mô mềm tủy đạo, tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước không đều nhau, lớn gấp 5 – 6 lần tế bào mô mềm vỏ, bên dưới gỗ 1 là 1 – 3 lớp tế bào mô dày góc.

Vi phẫu lá

Gân giữa: mặt dưới lồi nhiều hơn mặt trên. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Tế bào biểu bì trên lớn gấp 5 – 6 lần tế bào biểu bì dưới. Có nhiều lông che chở đa bào vách mỏng ( 2- 6 tế bào). Mô dày góc ở cả 2 biểu bì, 1 – 2 lớp tế bào hình tròn hoặc hơi đa giác, kích thước bằng tế bào biểu bì trên. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước không đều nhau. Cung libe gỗ với gỗ ở trên, libe ở dưới, phía dưới libe có vài cụm mô cứng, tế bào hình đa giác, kích thước nhỏ.

Phiến lá: tế bào biểu bì trên lớn hơn tế bào biểu bì dưới. Biểu bì dưới có nhiều lỗ khí nằm hơi lồi so với tế bào biểu bì. Rải rác có 3 loại lông tiết như ở thân. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào thuôn dài. Mô mềm khuyết tế bào hình bầu dục hoặc đa giác. Trong thịt lá có một số bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới.

Vi phẫu cuống lá:

Vi phẫu cuống lá mặt trên phẳng, mặt dưới lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác xếp khít nhau. Có nhiều lông che chở đa bào vách mỏng (2 – 7 tế bào). Có 3 loại lông tiết như ở thân. Mô dày góc, 1 – 2 lớp tế bào hình tròn hoặc hơi đa giác, kích thước bằng hoặc lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm khuyết, tế bào gần tròn hoặc đa giác, kích thước lớn gấp 2 – 5 lần tế bào biểu bì. Cung libe gỗ có cấu tạo với gỗ ở trên, libe ở dưới. 2 mép phía trên cũng có 2 bó gân phụ có cấu tạo với gỗ ở trên, libe ở dưới.

Đặc điểm bột dược liệu:

Bột toàn cây mịn, màu nâu đen, có ít xơ và có mùi thơm.

Thành phần: mảnh biểu bì lá, tế bào vách mỏng uốn lượn, mang lỗ khí kiểu hỗn bào. Lông che chở đa bào dài. Lông tiết đầu đơn bào chân đơn bào; lông tiết đầu đa bào (4 tế bào), chân đơn bào; lông tiết chân đa bào một dãy, đầu đơn bào hình trái xoan; lông tiết đầu đa bào hình cầu. Mảnh mô mềm, tế bào hình đa giác vách mỏng. Sợi vách dày, khoang hẹp, riêng lẻ hay tập trung thành từng đám, ống trao đổi rõ hoặc không rõ. Mảnh mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng. Hạt phấn hình trứng rộng có một rãnh dọc, kích thước 25 x 17,5 µm.

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Phân bố khắp các vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc.

Mùa hoa quả: tháng 4-7.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Adenosmatis caerulei)

Thành phần hóa học: 

Toàn cây Nhân trần chứa tinh dầu với hàm lượng 1% paracymen pinen limonene, cineol, anethol. Ngoài ra còn có acid nhân thơm, coumarin, một số serquiterpen và flavonoid.

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Trong y học cổ truyền, Nhân trần được dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông, giúp phụ nữ sau sinh ăn ngon, chóng lại sức. Ở Trung Quốc, Nhân trần chữa phong thấp, cốt thống, mụn nhọt, mẩn ngứa do ve bọ đốt. Trong y học hiện đại, Nhân trần đã được Bộ môn Y khoa Hà nội điều trị thực nghiệm viêm gan do virus, Nhân trần được dùng dưới dạng siro, một chai 100 ml chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và tối, sau một thời gian điều trị bằng Nhân trần, bilirubin máu và hoạt độ men SGPT đều trở về mức bình thường.

Thông tin nghiên cứu khoa học

1. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ VÀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY NHÂN TRẦN ( ADENOSMA CAERULEUM R. BR.) SO SÁNH VỚI CÂY BỒ BỒ ( ADENOSMA INDIANUM ( LOUR.) MERR)

2. Luận Án Tiến Sĩ Nghiên Cứu Về Đặc Điểm Thực Vật, Thành Phần Hóa Học Và Một Số Tác Dụng Sinh Học Của Cây Nhân Trần

3. Nghiên cứu hoạt tính chống oxy hóa cúa nhân trần (adenosma caeruleum br ) và một số dược liệu khác

4. A new chemotype of Adenosma glutinosum (L.) Druce var. caeruleum (R.Br.) Tsoong from Vietnam