Mỗi phương pháp điều trị đều có những thế mạnh nhất định. Để giúp cho bệnh nhân ung thư điều trị được tốt hơn, tỉ lệ thành công cao hơn, bên cạnh phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… thì y học cổ truyền được ứng dụng vào điều trị và chăm sóc hướng đến mục tiêu:
- Nâng cao sức khoẻ người bệnh.
- Hạn chế sự tiến triển của khối u, giảm đau, ngăn chặn xuất huyết.
- Hỗ trợ điều trị tác dụng phụ của các liệu pháp hoá, xạ, phẫu thuật trong ung thư.
2. 1. Quan niện của y học cổ truyền về ung thư
Thuật ngữ "ung thư" không tương đương ngữ nghĩa giữa Đông y và Tây y. Cùng với sự hiện diện rất sớm của mình, thầy thuốc y học cổ truyền (YHCT) qua quan sát đã mô tả các biểu hiện bệnh lý như ung thư hiện nay bằng các bệnh danh như:
- Thủng lựu (chỉ các loại ung thư nói chung);
- Nhũ nham (khối cứng như đá trong vú – Ung thư vú),
- Phế nham (ung thư phổi),
- Thạch thư (ung thư xương);
- Nhục lựu (ung thư hạch, hoặc u lympho);
- Trưng hà (khối u ở bụng)…
Sách Linh Khu cho rằng nguyên nhân gây "ung thư" theo Y HỌC CỔ TRUYỀN là do khí huyết uất kết mà hình thành ung thũng, nhiệt hun đốt khiến cơ nhục hủ hoá thành mủ, thành lở loét. Nếu nhiệt độc đi sâu vào trong gây tổn thương tạng phủ, ngũ tạng tổn thương thì sẽ tử vong.
Xét về tương quan giữa Y học cổ truyền và y học hiện đại (YHHĐ), khi mô tả các nguyên nhân làm cho khí huyết ứ trệ, nhiệt độc sinh ra có thể khái quát hóa mối tương quan như:
Nhân tố ngoại tà: Có thể hiểu bệnh do các yếu tố thuận lợi từ môi trường xâm nhập vào trong một điều kiện cơ địa có sẵn là khí huyết hư suy, hoặc mất cân bằng âm – dương như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Ví dụ như YHHĐ đã minh chứng vi khuẩn H.Pylori gây ung thư dạ dày, virus HPV gây ung thư cổ tử cung…
Nhân tố ẩm thực: Ẩm thực thất điều, tổn thương tỳ vị khí huyết hóa nguyên bất túc, gây ra tạng phủ khí huyết khuy hư. Tỳ hư thì đồ ăn không thể hóa thành tinh vi mà sẽ biến thành đàm trọc, đàm tắc khí trệ, đàm huyết ứ kết mà hình thành ung nhọt, tích khối.
Ăn uống cay nóng, uống nhiều rượu, hút thuốc lá là những thứ đại nhiệt gây tổn thương tân dịch sinh đàm, đàm nhiệt uất kết, khí huyết ứ trệ gây bệnh, YHHĐ cũng đã minh chứng thuốc lá gây ung thư phổi, rượu gây xơ gan và có thể đưa đến ung thư gan…
Chính khí nội suy: Người lớn tuổi cơ thể suy nhược hoặc do những bệnh mạn tính, hoặc do thất tình tổn thương gây khí nghịch khí trệ, thăng giáng không đều, hoặc do lao lực quá sức gây ra âm dương đều hư dẫn đến ngoại tà thừa cơ hội xâm nhập, lưu lại ở trong, cuối cùng dẫn đến huyết hành ứ trệ mà gây ra u cục.
Pháp trị chung Y học cổ truyền cho các thể bệnh ung thư là: Hành khí – hoạt huyết, nhuyễn kiên tán kết, dĩ độc trị độc, phù chính khu tà, bổ âm dương, khí huyết, tạng phủ...
Các phép trị:
Hạn chế sự tiến triển của khối u, giảm đau, hỗ trợ điều trị tác dụng phụ của các liệu pháp hoá, xạ, phẫu trị trong ung thư: Các phép được dùng như tiêu đàm, nhuyễn kiên, hành khí, hoạt huyết, khử ứ, tiêu độc, thanh nhiệt…
Ung thư ở giai đoạn cuối, nham độc lan rộng, tà khí thịnh, tạng phủ suy, chính khí hư tổn: Pháp trị Phù chính bổ hư làm chủ, hành khí hoạt huyết, giải độc tán kết làm phụ, kèm theo chỉ thống, để giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.
Nâng cao sức khỏe, ngăn chặn và cải thiện suy kiệt do ung thư: Bổ âm – Bổ dương, Bổ khí – Bổ huyết, cân bằng và điều hòa chức năng Tạng – Phủ.
Kết hợp Đông – Tây y trong mọi giai đoạn bệnh. Khi kết hợp hóa trị có tác dụng:
- Ức chế tế bào khối u tăng sinh.
- Giảm đề kháng thuốc hóa trị.
- Ức chế khối u di căn…
Hình ảnh
3. 2. Bài thuốc y học cổ truyền hỗ trợ điều trị ung thư phổi sau hóa -xạ trị
Y học cổ truyền giúp nâng cao sức khoẻ người bệnh ung thư…
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người trên toàn thế giới và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% trong tổng số các phân nhóm.
Y học cổ truyền được coi là liệu pháp bổ trợ trong điều trị tiêu chuẩn cho ung thư phổi không tế bào nhỏ. Bệnh nhân ung thư phổi thường biểu hiện một số triệu chứng phổ biến, chẳng hạn như ho, mệt mỏi, khó thở, sụt cân, khàn giọng, đau xương, đau ngực và thở khò khè.
Các hội chứng bệnh học Y học cổ truyền trong ung thư phổi bao gồm:
- Phế âm hư.
- Khí âm lưỡng hư.
- Phế Tỳ khí hư.
Các vị thuốc chủ lực trong ung thư phổi không tế bào nhỏ bao gồm:
- Hoàng kỳ, nhân sâm, đảng sâm, phục linh, bạch truật, ý dĩ: Có tác dụng bổ Phế khí, kiện Tỳ thẩm thấp.
- Sa sâm, Mạch môn: Có tác dụng dưỡng Phế âm, sinh tân.
Hai bài thuốc ‘Lục vị địa hoàng hoàn’ và ‘Bát trân thang’ sau đây có hiệu quả bồi bổ trong việc hỗ trợ điều trị ung thư phổi giai đoạn sau hoá trị, xạ trị.
2.1 Bài thuốc Lục vị địa hoàng hoàn hỗ trợ trị ung thư phổi
Là phương thuốc chủ về bổ âm có công dụng tư bổ Can Thận.
- Thành phần: Thục địa, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, phục linh, trạch tả. Tuỳ bệnh (trường hợp) mà thầy thuốc gia giảm liều phù hợp.
Tác dụng của vị thuốc:
+ Thục địa: Điền tinh ích tuỷ, tư bổ âm tinh (Quân)
+ Sơn thù bổ dưỡng Can Thận, sáp tinh. Hoài sơn bổ Tỳ Thận, cố tinh (Thần)
+ Trạch tả: Lợi thấp tiết trọc, giảm bớt tính nê trệ của thục địa. Đơn bì thanh tả tướng hỏa, giảm bớt tính ôn sáp của sơn thù. Phục linh kiện tỳ thẩm thấp, phối hợp với hoài sơn, để tăng lực kiện Tỳ (Tá)
Ba vị đầu có tác dụng bổ, ba vị sau có tác dụng tả. Bài thuốc này bổ là chính.
2.2 Bài thuốc ‘Bát trân thang’ hỗ trợ điều trị ung thư phổi
Là phương thuốc chủ về bổ khí huyết, kết hợp bài Tứ vật thang và Tứ quân tử thang, chủ trị khí huyết lưỡng hư.
- Thành phần: Thục địa, đương quy, bạch thược, xuyên khung, bạch linh, đảng sâm, bạch truật, chích thảo, đại táo, sinh khương. Tuỳ bệnh (trường hợp) mà thầy thuốc gia giảm liều phù hợp.
Tác dụng của vị thuốc:
+ Thục địa: Tư dưỡng âm huyết, bổ Thận chấn tinh.
+ Đương quy: Bổ huyết dưỡng Can, hoạt huyết.
+ Bạch thược: Dưỡng huyết liễm âm, giúp thục địa và đương quy để bổ huyết, hoãn cấp, chỉ thống.
+ Xuyên khung: Hoạt huyết hành khí, giúp đương quy hoạt huyết hành trệ.
+ Đảng sâm: Kiện Tỳ dưỡng vị, ích khí.
+ Bạch truật: Kiện Tỳ táo thấp.
+ Phục linh: Kiện Tỳ thẩm thấp.
+ Cam thảo: Điều hoà các vị thuốc.
Bài này gồm "Tứ vật thang" hợp với "Tứ quân tử thang" thành bài song bổ khí huyết. Trong đó, "Tứ quân" bổ khí, "Tứ vật" bổ huyết, thêm sinh khương, đại táo để điều hoà Vinh Vệ.
Khí huyết âm dương thường tác dụng lẫn nhau, mất huyết quá nhiều thì âm hư, âm hư thì sinh nóng ở trong, cho nên phiền táo mà khát. Khí huyết đều hư, thì Vinh Vệ mất điều hoà, vì vậy sinh ra sợ rét phát nóng.
Tác dụng của bài này là bổ cả khí huyết, trong bổ huyết lại kiêm ích khí, giúp dương sinh âm trưởng.
--------------------
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các bài thuốc hoặc vị thuốc Y học cổ truyền đã mang lại sự tương tác tích cực với các phương pháp điều trị thông thường ở bệnh nhân ung thư phổi, cải thiện, kiểm soát các triệu chứng mệt mỏi, ho và khạc đờm… cũng như giảm nguy cơ tử vong.
Y học cổ truyền đóng góp vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, tuy không có tác dụng điều trị chính nhưng có tác dụng hỗ trợ làm giảm được các triệu chứng và tác dụng không muốn do các thuốc trong điều trị gây ra.
Ngoài ra, Y HỌC CỔ TRUYỀN còn có tác dụng nâng cao sức khỏe và khả năng chịu đựng điều trị, cũng như sự thoải mái và hài lòng của bệnh nhân.
BS.CKII. Huỳnh Tấn VũBV Đại học Y dược TP.HCM
Theo skđs