1. Cây Mắc coọc, Lê rừng - Pyrus pashia Buch - Ham ex D. Don, thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae.
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Mắc coọc
Mô tả: Cây nhỡ cao tới 12m đầu cành non có gai. Lá hình bầu dục mũi mác, đầu nhọn, mép có răng tù, dài 4-7cm, rộng 2-5cm; lúc còn non lá có lông ở mặt dưới, sau nhẵn; cuống lá có rãnh ở mặt trên, lá kèm hình chỉ, sớm rụng. Hoa họp thành chuỳ ở nách hay ở ngọn, phủ nhiều lông óng ánh; cánh hoa màu trắng, lá bắc màu nâu. Quả mọng hình cầu, có mụn nhỏ, màu xám hoặc trắng nhạt, có 3-5 ô, mỗi ô chứa một noãn.
Hoa tháng 2-4, quả tháng 11-12.
Bộ phận dùng: Quả và vỏ rễ - Fructus et Cortex Radicis Pyri Pashiae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Mianma, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc ở Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình... trong rừng thưa hay các rú bụi ở độ cao giữa 1.000m-2000, thường ở trên đất nghèo, có khi trên đất ngập. Lá rụng vào mùa đông.
Quả tương tự như quả Lê nhưng thường nhỏ hơn.
Tính vị, tác dụng: Quả có vị chua, hơi ngọt và hơi chát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch, mát phổi. Vỏ rễ có vị chua chát, tính hàn, có tác dụng giải độc, trừ ngứa.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả: quả chín ăn được, còn dùng chữa ho, long đờm. Ðể chữa uất trong, buồn bực ở lồng ngực, giã nát ép lấy nước uống; để chữa bệnh lỵ mới phát; dùng quả nướng ăn; Vỏ rễ chữa lở sần da (lở chàm) cạo lấy lớp vỏ trắng giã nhỏ, hoà với giấm, dùng vải gói lại mà tẩm xát vào chỗ đau, chỗ lở.