1. Cây Viễn chí Nhật, Nam viễn chí - Polygala japonica Houtt., thuộc họ Viễn chí - Polygalaceae.
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Viễn chí Nhật
Mô tả: Cây thảo cao 10-20cm phân nhánh từ gốc, có các nhánh dạng sợi, trải ra, hơi có lông len. Lá đa dạng, các lá phía dưới bầu dục - mắt chim, đường kính 4-5mm, các lá trên hình dải - ngọn giáo, nhọn, dài 20mm, rộng 3-5mm, có mép cuộn xuống phía dưới. Hoa thành chùm ngắn, có khi 1, thường là 3 hoa hay nhiều hơn. Hoa xanh nhạt ở dưới, trắng ở trên, tím ở đỉnh. Quả nang nhẵn, lõm ngang, hình bầu dục, rộng 5-6mm, cao 4-5mm, có cánh 1mm, áo hạt có 3 thùy hình dải.
Hoa tháng 4-5, quả tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Polygalae Japonicae thường có tên là Qua tử kim.
Nơi sống và thu hái: Loài của Nhật Bản, Trung Quốc và Philippin. Ở nước ta, chỉ mới biết ở Ninh Bình (Chợ Gành) Bắc Thái, Nam Hà, Thanh Hóa. Thu hái rễ vào mùa hè thu, rửa sạch phơi khô, bó lại để dùng.
Thành phần hóa học: Rễ khi nhai gợi lên vị giống uroformin, có một saponosid là senegin (Onjisaponin) A ~ 6, tenuidine; còn có polygalittol, dầu béo và nhựa.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính hơi ấm; có tác dụng khư đàm chỉ khái, hoạt huyết tiêu thũng, giải độc chỉ thống.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở nước ta, Viễn chí Nhật được dùng trị viêm phế quản, mất trí nhớ, liệt dương yếu sức, mộng tinh. Nó làm cho sáng mắt và thính tai hơn do tác dụng của nó đối với chức năng thận.
Ở Trung Quốc, dùng chữa:
1. Viêm hầu họng, đau tức ngực, ho, đờm nhiều;
2. Ðòn ngã tổn thương, mụn nhọt, ghẻ lở, rắn độc cắn. Liều dùng 6-12g, dạng thuốc sắc hoặc tán bột uống. Dùng ngoài tán bột, tẩm nước đắp.
Ghi chú: Theo Tân biên trung y: Rễ Viễn chí phải bỏ lõi, phụ nữ có thai không được dùng.
Saponozit của Viễn chí kích ứng niêm mạc dạ dày nên người bị bệnh viêm dạ dày không nên dùng