Đức Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ HĐCM, 102 tuổi, và HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, 81 tuổi, trong niềm hoan hỷ hội ngộ (7-2018, tại tổ đình Viên Minh, Hà Nội)
Ngoài ra, chúng ta còn mang ơn thầy hiền bạn tốt giúp chúng ta hiểu được đạo lý làm người và trưởng thành trong cuộc sống.
Chúng ta cũng mang ơn đất nước, đồng bào, vì chúng ta không thể tồn tại riêng lẻ một mình. Theo quan niệm ngày nay, chúng ta còn có mối quan hệ tồn tại với thiên nhiên gọi là môi trường và quan hệ với muôn loài, với vạn vật.
Đức Phật cũng dạy chúng ta khắc cốt ghi tâm ơn Tam bảo. Theo Nhật Liên Thánh nhân, ơn Tam bảo lớn nhất; ba ơn trước còn nằm trong vòng sinh tử luân hồi, tức chúng ta liên tục thọ ơn nhau từ vô thỉ kiếp trước cho đến ngày nay và mãi về sau.
Ơn Tam bảo quan trọng nhất, vì đưa chúng ta thoát khỏi sinh tử luân hồi. Thật vậy, nhờ cha mẹ mà chúng ta hiện hữu, nhưng nếu không nhờ Tam bảo dẫn lối đưa đường, thì sự hiện hữu của chúng ta hôm nay không phải là người có trí giác, có trái tim từ ái, có phước lành. Vì những gì chúng ta có hôm nay là do nghiệp duyên quá khứ kết thành. Do vậy, chúng ta không nghĩ rằng chỉ có mối quan hệ giữa mình và cha mẹ, bạn bè hiện đời, mà còn có mối tương quan nhiều đời.
Nhận thức được như vậy, chúng ta tin chắc rằng tất cả những Phật tử tham dự đạo tràng tu học hôm nay đã từng gặp gỡ và giúp đỡ nhau, đã từng cùng nhau tu hành ở các chúng hội đạo tràng của Bồ-tát trong quá khứ, mới dẫn đến sự hòa hợp tu hành với nhau hôm nay. Vì vậy, đối với hàng đệ tử Phật, ơn Tam bảo được đặt lên hàng đầu.
Hồi tưởng lại cha mẹ, bạn bè của chúng ta và những người có quan hệ tốt với chúng ta trong kiếp quá khứ, thì gặp lại trong hiện đời sẽ đối xử tốt với nhau. Cứ nhìn quá khứ sẽ biết hiện tại, hay ngược lại, nhìn hiện tại mà thấu rõ quá khứ của mình như thế nào. Hiện tại có người thương là quá khứ đã có quan hệ tốt; người ghét và chống ta là đã từng chống nhau trong quá khứ. Biết như vậy, chúng ta phải giảm bớt sự chống đối, vô hiệu hóa sự thù nghịch, để tăng trưởng công đức lành và có được bạn bè tốt.
Thực tế cho thấy trên cuộc đời có những người hoàn toàn cô độc, luôn bị chống đối; nhưng cũng có người được hàng hàng lớp người ủng hộ, vì họ đã khéo tu hạnh Bồ-tát trong kiếp quá khứ, đã thành tựu những việc làm tốt. Ngược lại, kiếp quá khứ chỉ gây toàn là thù hận, tất nhiên hiện tại phải gặp những việc phiền muộn, không được ai thương quý.
Do vậy, trên nền tảng của lý nhân quả theo Phật dạy, cha mẹ chúng ta hiện đời có thể là cha mẹ chúng ta trong quá khứ, hay cũng có thể là người thù nghịch với chúng ta trong quá khứ. Nếu là người thân thương ta trong quá khứ tái sanh lại làm cha mẹ hiện tại là biết quá khứ tốt; nhưng cha mẹ thù nghịch với ta trong hiện tại, phải biết đó là oan gia nghiệp báo gặp lại nhau.
Đức Phật dạy có ba hạng quyến thuộc, một là do ơn nghĩa quá khứ tái sanh làm cha mẹ, hai là do thù nghịch quá khứ tái sanh làm cha mẹ, ba là do đạo đức tu hành của chúng ta cảm được các vị Bồ-tát, Thánh Tăng tái sanh làm quyến thuộc của chúng ta để cứu nhân độ thế.
Hòa thượng Thiện Hoa sanh tiền viết một tác phẩm nhỏ nhưng có ý nghĩa, câu chuyện ông trưởng giả kén rể. Ông này giàu có mà không có con. Ông đến chùa lễ Phật cầu nguyện.
Bấy giờ có một anh rất tốt, nhưng nghèo, nên mẹ của anh chết mà anh không có tiền chôn cất. Anh này mới vào nhà ông trưởng giả lấy trộm tiền để lo đám ma cho mẹ và anh đã lấy cắp 30 lượng bạc. Anh thầm nghĩ khi chôn cất mẹ xong, anh sẽ tái sanh làm con ông trưởng giả để đền trả lại ơn này.
Quả nhiên, chôn mẹ xong, anh ta buồn đến phát bệnh chết. Bấy giờ bà vợ ông trưởng giả có thai sanh được đứa con trai rất tốt. Lớn lên, đứa con này quán xuyến mọi việc trong gia đình, hết lòng làm ra của cải cho cha mẹ, nhưng không dám tiêu xài của gia đình. Nhưng trớ trêu là ông trưởng giả có được đứa con trai, nên rất vui mừng, mới lên chùa lễ tạ một số tiền.
Vị trụ trì muốn sửa chùa, nên đã quyên góp tiền và nhờ ông trưởng giả giữ giùm, khi nào đủ tiền sửa chùa thì sẽ lấy về. Và thầy trụ trì lại tiếp tục quyên cho đủ tiền, nhưng đến khi thầy trở lại nhà ông trưởng giả để lấy số tiền đã gởi, thì tiền này bị mất cắp. Bà trưởng giả tham lam thề rằng nếu bà có nhận số tiền của thầy gởi thì cho bà chảy máu mắt chết. Vị trụ trì này tu hành, nhưng chưa đắc đạo, nên khi số tiền gởi bị mất, không biết nói sao với bổn đạo, thầy mới treo cổ tự tử chết.
Bấy giờ, bà trưởng giả lại mang thai đứa con thứ hai. Người con lớn siêng năng làm lụng tạo của cải cho gia đình bao nhiêu thì đứa con thứ hai lại tiêu xài phung phí, phá hại gia sản bấy nhiêu. Đứa con lớn rất tốt, nhưng không bệnh hoạn gì nặng, chỉ sốt mà chết. Vì nó làm ra của cải, nên bà trưởng giả thương quý, khóc chảy máu mắt rồi chết.
Người cha nghĩ rằng bây giờ tài sản là của đứa con thứ hai, nên nó tiêu xài sao cũng được; nhưng chỉ một thời gian sau, nó cũng ngã bệnh chết. Như vậy là hai đứa con trai của ông trưởng giả chết hết.
Đứa lớn là người đã vào lấy trộm 30 lượng bạc chôn cất mẹ, tái sanh làm con của ông, nó tạo cho ông được đúng 30 lượng bạc rồi đi. Đứa con thứ hai thì tiền thân của nó là ông sư đã gởi tiền, nay đòi đủ số nợ này rồi cũng đi. Còn người con gái thứ ba là hiện thân của Quan Âm, do ông lên chùa lạy Bồ-tát Quan Âm thành khẩn, nên Quan Âm tái sanh vào nhà ông để làm đạo. Ba người con nói trên tiêu biểu cho ba trường hợp tái sanh, do thọ ơn mà sanh lại làm con, do oán thù mà sanh lại làm con và do Bồ-tát hiện thân độ đời. Vì vậy, trong gia đình nào cũng có con hiếu thảo, hoặc con bất hiếu, hoặc con tu hành.
Người con thứ ba do Bồ-tát, Thánh Tăng cảm tâm mà tái sanh làm quyến thuộc để cứu độ chúng sanh. Và Phật dạy rằng Bồ-tát còn mê khi cách ấm, nghĩa là bỏ thân này, mang thân sau thì Bồ-tát cũng quên tất cả mọi việc của quá khứ. Vì vậy, cần phải có thầy hiền bạn tốt gợi ý, tức khai ngộ thì nhớ.
Đọc lịch sử, chúng ta thấy ngài Trí Giả là Tổ của Thiên Thai tông ở Trung Hoa nếu không gặp Huệ Tư đại Thiền sư khai ngộ, thì không nhớ được kiếp trước và cũng không thâm nhập được thế giới vĩnh hằng bất tử của Pháp hoa, dù ngài ở thế giới đó sanh lại.
Nhờ đại Thiền sư Huệ Tư khai ngộ, ngài nhớ lại đã từng thâm nhập thiền quán của hội Pháp hoa và ngài trở thành vị quốc sư của hai triều đại. Tùy Dạng Đế lên ngôi vẫn cầu ngài xin thọ Bồ-tát giới. Đó là Bồ-tát sanh lại, mang thân ngũ ấm cũng quên tiền kiếp.
Bồ-tát thọ sanh thường lựa chọn cha mẹ có tín tâm, có quan hệ với Tam bảo và sanh vào gia đình như vậy, để khi còn trong thai mẹ đã tiếp tục được nghe mẹ tụng kinh, nghe cha học đạo.
Trong đạo tràng chúng tôi, có nhiều gia đình siêng nghe pháp và tu hành đúng pháp, đã có được những đứa con chưa biết nói, mà nhìn thấy tượng Phật đã biết chắp tay lạy, do cha mẹ trì kinh Pháp hoa, lễ Phật và được vị Bồ-tát nào đó cảm tâm mà sanh lại làm quyến thuộc.
Và tất cả chúng ta tu hành trong kiếp này, khi bỏ xác thân, chúng ta cũng về chùa lễ Phật bằng trung ấm thân của mình, khi đó thấy Phật tử nào thích hợp với mình, thì mình theo về, tái sanh làm quyến thuộc.
Thực tế chúng ta thấy các vị đại sư tái sanh, cốt cách tu hành của họ vẫn thể hiện rõ rệt trong thân đứa trẻ. Vì vậy, theo Phật giáo Tây Tạng, các Lạt-ma phải đi tìm những đứa bé tái sanh đưa về khai ngộ sớm để có thể phục hồi nhanh chóng quá trình tu hành của họ ở đời trước.
Chúng ta nhìn chung trong mối quan hệ bốn ơn, thì quan hệ cha mẹ, thầy bạn, xã hội, mà biết được chúng ta cũng từng quan hệ với nhau từ vô lượng kiếp cho đến kiếp này.
Nếu chúng ta thương cha mẹ của mình trong kiếp này thì họ đã là cha mẹ chúng ta trong quá khứ. Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia đã từng là cha mẹ của Đức Phật Thích Ca.
Cho nên, mọi người sanh ra đều có huyết thống xã hội và huyết thống tâm linh. Huyết thống xã hội là huyết thống bằng xương thịt. Huyết thống tâm linh là mối quan hệ giữa linh hồn cha mẹ ta và linh hồn của ta đã có trong quá khứ.
Chúng ta muốn đền trả ơn sanh thành dưỡng dục, phải làm sao. Đối với tôi, trong thân cốt cách hình hài của chúng ta đã có huyết thống của cha mẹ, ông bà. Vì vậy, có những dòng họ khoa bảng, đều học giỏi, hay có gia đình huyết thống giỏi về kỹ thuật. Nhưng huyết thống tâm linh quan trọng hơn. Vì vậy, nhiều khi cha mẹ giỏi, nhưng con không giỏi; vì huyết thống vật chất có, nhưng không có huyết thống tâm linh, không có nguồn tâm linh, nên không vô được, vì linh hồn đó thuộc ác ma thì làm sao vô được.
Cha mẹ hiện tại cũng có thể đã là cha mẹ quá khứ, hay thay đổi làm cha mẹ lẫn nhau, làm thầy trò lẫn nhau. Thí dụ tôi già, chết, tái sanh thì những người học trò của tôi trở thành cao tăng, nhưng nếu tôi muốn học đạo cũng phải cầu những ông này làm thầy, nghĩa là thay phiên nhau làm thầy trò để dìu dắt nhau tu hành.
Chúng ta đền trả ơn Tam bảo là lo cho thế hệ sau, gọi là tiếp dẫn hậu lai. Trả ơn Phật, trả ơn thầy, không gì khác hơn là những gì thầy đã làm cho mình, mình phải làm cho lớp sau.
Nỗ lực phát huy thành quả tu hành là trả được bốn ơn.
Trả ơn đúng nhất là tu hành đắc đạo, tâm chúng ta được an lạc, thì ông bà tổ tiên chúng ta nương nhờ sự an lạc của mình mà họ cũng được an lạc theo; vì trong thân chúng ta đã có cha mẹ, ông bà mình, nên họ tiếp cận với mình rất dễ.
Người thân chúng ta qua đời, nếu chúng ta khóc than đau khổ, người chết sẽ đau khổ theo. Nhưng người tu hành, tâm an lạc, tâm người chết gá theo tâm ta, họ cũng được an lạc. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện cho người mất, mà cũng vừa trả được ơn sanh thành dưỡng dục một cách hữu hiệu; vì họ đã có trong ta.
Còn đối với ơn xã hội, chúng ta thấy rõ nếu chúng ta tự tịnh hóa mình trở thành người tốt thực trong xã hội, thì người quan hệ với ta cũng được an lạc; cho nên chúng ta chưa làm gì mà họ đã an lạc. Thí dụ, khi tôi còn là học tăng ở Nhật, Phật tử cúng dường tôi một số tiền để chi phí tu học. Khi tôi đỗ đạt, về nước làm được một số Phật sự, họ nói rằng thầy học và làm đạo được như vậy, con rất yên tâm.
Hòa thượng Thiện Hòa viết thư cho tôi, dạy rằng: “Đông Kinh đi dễ khó về”. Nhưng về được và làm được việc là đã trả được ơn, vì ngoài đời có nhiều cám dỗ lắm.
Về Việt Nam, tôi cũng biết sau chiến tranh, phải khổ. Bạn bè khuyên tôi ở lại Nhật, đừng về, cần gì cũng có, vì họ quý mến, sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng tôi nhớ lời Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng không về là thiếu nợ. Ý thức như vậy, tôi trở về Việt Nam, nghĩ rằng khổ cũng chấp nhận, chết cũng cam lòng. Sau mấy chục năm phục vụ đạo pháp, tôi rất an lòng; vì tôi đã làm đúng theo nguyện của tôi, làm đúng theo lời dặn dò của Hòa thượng ân sư và làm đúng theo sự mong mỏi của Phật tử cúng dường.
Muốn ơn đền nghĩa trả đầy đủ, cách tốt nhất là tu đắc đạo. Còn chúng ta làm gì cho người thân, nhưng chúng ta bị đọa thì chỉ làm cho người thân đau khổ thêm mà thôi.
Chắc chắn rằng trả ơn theo thế gian không bao giờ hết; nhưng trả ơn theo Phật dạy như vừa nói trên, nếu người còn khổ có liên hệ, nghĩ đến ta, họ cũng được an vui giải thoát; đó là ý nghĩa của ơn đền nghĩa trả đúng Chánh pháp.
Mong rằng Phật tử có tầm nhìn xa, thấy được mối quan hệ vô hình giữa chúng ta và những người xung quanh. Và sống trong thế giới tâm linh thanh tịnh đó, Đức Phật vẫn hiện tiền, nhưng đòi hỏi chúng ta phải lắng lòng, đi sâu vào thiền định để gặp được Phật và Bồ tát.
Đức Phật đắc đạo, thấy mối liên hệ mật thiết của Ngài với chư Phật mười phương ba đời, đó mới là ý nghĩa quan trọng mà chúng ta cùng hướng đến.
Chúng tôi cầu mong các Phật tử tu tập sẽ thâm nhập thế giới Phật để được tâm an, trí sáng cho đến ngày thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề.
HT.Thích Trí Quảng