Cây dược liệu cây Guột, Guột lưỡng phân - Dicranopteris dichotoma (Thunb.) Bernh

Theo y học cổ truyền, dược liệu Guột Vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, khu đờm, chỉ huyết. Thường được dùng chữa: Bệnh đường tiết niệu; Bạch đới; Viêm phế quản cấp; Ðòn ngã tổn thương.

Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Guột

Guột, Guột lưỡng phân - Dicranopteris dichotoma (Thunb.) Bernh., thuộc họ Guột - Gleicheniaceae.

Mô tả: Dương xỉ có thân rễ bò dài mang phần trên mặt đất cao 45-90 (120)cm. Lá đứng, cuống lá phân nhánh lưỡng phân đến 2 (3) lần; ở gốc các lá lưỡng phân đều có 2 lá lược phụ dạng lá kèm; lá lược thứ cấp thon dài, đoạn hẹp dài 2cm, rộng 3-4mm, không lông, mặt dưới hơi mốc, gân phụ thường chẻ hai từ gốc. Ở túi gần 7-8 túi bào tử, bào tử bốn mặt, không màu. 

Bộ phận dùng: Toàn cây (rễ và chồi thân) - Herba Dicranopteridis.

Nơi sống và thu hái: Cây của miền nhiệt đới và á nhiệt đới, thường mọc ở vùng đồi núi Bắc bộ và Trung Bộ của nước ta. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, khu đờm, chỉ huyết.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng chữa 1. Bệnh đường tiết niệu; 2. Bạch đới; 3. Viêm phế quản cấp; 4. Ðòn ngã tổn thương.

Ðơn thuốc (ở Trung Quốc):

1. Ðái khó: Chồi thân Guột 30g sắc ước uống.

2. Khí hư bạch đới: Chồi thân Guội 12-15g, Long nhãn khô 30g. Ðun sôi uống.

3. Viêm phế quản cấp: Rễ Guột 30-60g. Ðun sôi uống.