Cây dược liệu cây Thần xạ mốc, Tam thụ hùng hẹp - Trigonostemon reidioides Craib

Theo y học cổ truyền, dược liệu Thần xạ mốc Chỉ mới được dùng trong dân gian. Cây có tính nóng, làm ra mồ hôi. Thường dùng trị trúng gió đau bụng, ói mửa, thổ tả; còn dùng trị đi tàu xe bị say sóng và trị sốt rét. Dùng rễ tươi nhai nuốt nước hoặc sắc nước uống.

Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Thần xạ mốc

Thần xạ mốc, Tam thụ hùng hẹp - Trigonostemon reidioides Craib, thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.

Mô tả: Cây bụi cao 0,5-1m, phân nhiều cành. Các nhánh có lông hình sao, rồi nhẵn, màu đo đỏ. Lá rải rác, thuôn, thót nhọn ở chóp, tròn hoặc tù ở gốc, có lông hình sao mềm dày cả hai mặt, nhất là ở mặt dưới, dài 7-12cm, rộng 3-4cm, gân gốc 5, các gân bên ngoài chỉ đạt tới 1/5 chiều dài của phiến; gân phụ 5-6 đôi; cuống 1-1,5cm, có lông. Cụm hoa chuỳ ở nách lá, nhánh thưa, có lông mịn, màu đo đỏ. Hoa trắng hay đỏ, nụ hoa hình cầu hay hình trứng. Quả nang gần hình cầu, lõm ở đỉnh, dày cỡ 12mm, có lông mềm. Hạt gần hình cầu hay trái xoan ba góc, màu vàng nhẵn.

Cây ra hoa tháng 6.

Bộ phận dùng: Rễ - Radix Trigonostemonis.

Nơi sống và thu hái: Cây của miền Ðông Dương mọc hoang ở các rừng thưa đến độ cao 400m, ở Ðồng Nai, An Giang. Có thể thu hái rễ quanh năm.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Chỉ mới được dùng trong dân gian. Cây có tính nóng, làm ra mồ hôi. Thường dùng trị trúng gió đau bụng, ói mửa, thổ tả; còn dùng trị đi tàu xe bị say sóng và trị sốt rét. Dùng rễ tươi nhai nuốt nước hoặc sắc nước uống.