Hình ảnh bó rau dớn Người ta lấy lá non, ngọn non dùng luộc, nấu canh, xào thịt, cũng có thể dùng ăn sống.
Rau dớn
Rau dớn, Dớn rừng, Thái quyết - Diplazium esculentum (Retz) Sw (Hemionitis esculenta Retz) thuộc họ Rau dớn - Athyriaceae.
Mô tả: Rau dớn là loài dương xỉ có thân rễ nghiêng, hướng lên cao tới 15cm, thường bao phủ vẩy ngắn màu hung. Cuống lá dài 60-100cm, dày, màu vàng lợt hoặc nâu đen và phủ vẩy ở gốc, phiến lá thay đổi tuỳ theo tuổi của cây, nhưng có thể dài tới 1,5m, các lá lược non kép lông chim một lần, các lá lược già kép lông chim hai lần, các lá chét bậc nhất ở dưới và ở trên đều chia thuỳ lông chim dài khoảng 8-10cm, rộng 2cm, các lá chét ở giữa lớn hơn, có cuống, chóp hình tam giác, các lá chét bậc hai gồm 8-10 cái mỗi bên, không cuống, thuôn hình ngọn giáo, gân liên kết hình lông chim với 6-10 gân con ở mỗi bên trong các thuỳ. Ổ túi bào tử dài mỏng, nằm trên các gân con. Bào tử hình thận.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Diplazii Esculenti.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Á châu nhiệt đới và đến Polynêdi, cũng gặp ở các tỉnh phía Nam của Trung Quốc. Ở nước ta, rau dớn mọc phổ biến nơi ẩm ướt, ở miền đồng bằng cho tới miền núi từ độ cao 1000-1200m, trong các trảng cỏ, ven rừng ẩm, ven suối ở nhiều nơi. Cây rất đa dạng.
Thành phần hoá học: Chỉ mới biết 86% nước, 4% protid, 8% hydrat carbon gồm chủ yếu là cellulose. Nói chung là cây có giá trị dinh dưỡng cao.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rau dớn được sử dụng làm rau ăn ở nhiều nước. Người ta lấy lá non, ngọn non dùng luộc, nấu canh, xào thịt, cũng có thể dùng ăn sống.
Ở Malaixia, người ta thường sắc nước cho phụ nữ sinh đẻ uống.