Hình ảnh cây Cang mai
Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Cang mai
Cang mai - Justicia adhatoda L. (Adhatoda vasica Nees), thuộc họ Ô rô - Acanthaceae.
Mô tả: Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ cao 2-7m. Lá có cuống, hình ngọn giáo nhọn ở gốc, có mũi hay nhọn ở chóp, nguyên, nhẵn ở mặt trên, hơi có lông mịn ở mặt dưới, dài 7-25cm, rộng 2,5-7cm. Hoa to, thành bông ở ngọn, có cuống dài 3-7 cm. Quả nang có lông mềm, dài 6mm, chứa 4 hạt dẹp hình lăng kính.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Justiciae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Trung Quốc... Cây trồng ở Quảng Trị làm cảnh vì có hoa màu trắng có vân đẹp. Ở Lào, người ta cũng trồng gần các đình chùa và các khu dân cư.
Thành phần hóa học: Lá chứa alcaloid vasicin và một lượng ít tinh dầu. Còn có l-peganin (l-vascin). Nếu chiết xuất lá sẽ được một chất lỏng chứa hai base có tính chất giảm co thắt; nếu chiết bằng lôi kéo hơi nước sẽ có một chất diệt giun và diệt cỏ. Người ta còn tách được alcaloid vasicinon có tác dụng làm dãn khí quản như adrenalin. Hạt chứa dầu béo 25,6% gồm có sitosterol và các acid arachidic, behenic, lignoceric, cerotic, oleic và linoleic.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, cay, tính ấm, có tác dụng khư phong hoạt huyết, tán ứ giảm đau, tiếp xương. Lá và rễ có tính kháng khuẩn đường hô hấp và làm long đờm. Hoa và rễ cũng có tính kháng khuẩn. Dầu từ lá, hoa và rễ có tác dụng chống vi trùng lao.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá và rễ sắc uống dùng trị ho, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, lao phổi. Lá còn được dùng trị thấp khớp và làm thuốc sát trùng. Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây để làm thuốc trừ đờm và trị chứng kinh nguyệt quá nhiều của phụ nữ. Ở Thái Lan, lá dùng trị dãn phế quản, phân giải chất nhầy; dùng ngoài để cầm máu vết thương. Rễ được dùng trị bệnh lao và làm thuốc bổ phổi. Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây chữa gãy xương, trẹo chân, phong thấp đau nhức khớp, đau eo lưng.
Đơn thuốc:
1. Chữa ho, cảm sốt, sốt rét: Lá hoặc rễ Cang mai sắc uống.
2. Chữa hen: Hoa và lá sắc uống.