Cây dược liệu cây Nhài thon - Jasminum lanceolarium Roxb

Theo y học cổ truyền, dược liệu Nhài thon Vị đắng, tính ấm; có tác dụng khư phong trừ thấp, hoạt huyết tiêu thũng. Được dùng chữa: 1. Phong thấp đau nhức khớp, đau thắt lưng; 2. Đòn ngã tổn thương; 3. Nhọt và viêm mủ da.

Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Nhài thon

Nhài thon - Jasminum lanceolarium Roxb., thuộc họ Nhài - Oleaceae.

Mô tả: Dây leo hoá gỗ cao 1-3m, dây lớn có thể dài tới 7m hay hơn, không lông. Lá mọc đối, thường mang 3 lá chét (đôi khi 5), dài 5-13cm, rộng 5-6cm, dày, mép uốn cong xuống, gân phụ 7-8 cái, mảnh. Chuỳ hoa to, đài có 5 răng thấp, ống tràng dài 2cm với 4-5 thuỳ dài 1cm, rộng 3-5mm. Quả 2, cao đến 1,5cm, màu đen.

Hoa quả tháng 2-5.

Bộ phận dùng: Dây, cành - Caulis et Ramulus Jasmini Lanceolarii.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở các tỉnh phía Bắc nước ta, từ Lào Cai tới Ninh Bình, qua Quảng Trị tới Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắc Lắc. Cũng phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma. Thường gặp ở đất rừng núi. Thu hái thân dây vào mùa thu, rửa sạch, cắt đoạn, phơi khô để dành.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính ấm; có tác dụng khư phong trừ thấp, hoạt huyết tiêu thũng.

Công dụng: Được dùng chữa: 1. Phong thấp đau nhức khớp, đau thắt lưng; 2. Đòn ngã tổn thương; 3. Nhọt và viêm mủ da. Dùng 30-60g dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Kỵ thai. Dùng ngoài, giã cây tươi đắp.