Những sản phẩm dùng lạc tiên và thực trạng Dược liệu từ cây Lạc Tiên tại Việt Nam

Cây lạc tiên là một loại dược liệu được dùng trong sản xuất đông dược và tân dược. Đây là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, thường gặp ở các bãi hoang, bờ bụi.

Vị Thuốc từ cây lạc tiên

Cây lạc tiên là một loại dược liệu được dùng trong sản xuất đông dược và tân dược. Đây là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, thường gặp ở các bãi hoang, bờ bụi. 

Cây còn có nhiều tên gọi: cây lạc, cây lồng đèn, hồng tiên, mắc mát, long châu quả... 

Tên khoa học là passiflora foetida L thuộc họ lạc tiên passifloraceae.

Chưa có cuộc điều tra nào xác định xem ở nước ta có bao nhiêu loài lạc tiên trong khi trên thế giới có khoảng 620 loài, được phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, phong phú nhất là vùng rừng rậm nhiệt đới Amazon (Nam Mỹ), riêng vùng thuộc Brazil có hơn 200 loài.

Có tài liệu nói ở Việt Nam hay gặp hai loài, dây leo, thân mềm, lá mọc so le, hình tim, mép lượn sóng xẻ thành 3 thùy. Hoa đơn, cánh màu trắng hay tím nhạt. Quả hình trứng, dài 2-3cm, gần giống quả nhãn, có vị ngọt, trẻ nhỏ thường hái quả lạc tiên ăn, một số nơi dùng lá để luộc làm rau ăn...

Theo Võ Văn Chi và một số tác giả khác, cây lạc tiên chứa 0,025-0,032% alcaloit toàn phần trong đó có hermalin, harmalol, harmol, harmin. Có các flavonc-glucosid như sapomarin, vitexin, saporanetin.
Hoạt chất chính có tên passiflorin, tác dụng tương tự như morphin nhưng không gây nghiện. Quả chín còn chứa 2% protein, đường đơn, glucoza, fructoza, các acid hữu cơ: acid citric, acid malic; có vitamin: C, A và một số muối khoáng.

Cây có một loại tinh dầu, có mùi thơm quyến rũ nên còn được gọi một cách ấn tượng: Passion flower (hoa say mê hoặc hoa nồng nàn...).

Trong dân gian thường dùng dây và lá sắc uống làm thuốc an thần chữa mất ngủ. 

Theo sách “Trung dược đại từ điển”: Quả lạc tiên (long châu quả) có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, dùng chữa phế nhiệt khái thấu (do ho phế nóng), phù thũng, giã đắp chữa ung nhọt lở loét ở chân.

Theo sách “Thuốc cổ truyền và ứng dụng lâm sàng” (GS. Hoàng Bảo Châu) thì bộ phận dùng của cây lạc tiên: dây, lá, hoa thái nhỏ, phơi khô; 

Công dụng: an thần, giải nhiệt, thanh can do thuốc ở tâm can; 

Chữa trị: chữa đau đầu, mất ngủ, thường phối hợp thêm với một số vị thuốc khác.

Có tài liệu dùng quả lạc tiên sắc lấy nước, uống chữa lỵ; dùng lá lạc tiên nấu nước để tắm, rửa trong chữa trị viêm da, mụn mủ, ghẻ ngứa.

Có nhà khoa học nói lạc tiên không phải là cây thuốc của y học cổ truyền (YHCT) Việt Nam mà là YHCT của châu âu hoặc Nam Mỹ vì cây này do một dược sĩ học ở Pháp về Việt Nam thấy giống một loại cây ở bên Pháp vẫn dùng làm thuốc an thần nên dùng chế thành thuốc do đó được phổ biến (!).

Lạc tiên có trong Dược điển Pháp và được nhiều nước ở châu Âu, Mỹ sử dụng. Qua nghiên cứu thấy nó có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: trấn tĩnh, an thần, chống hồi hộp, lo âu, mất ngủ. Còn có tác dụng trực tiếp lên cơ trơn làm giãn và chống co thắt nên dùng chứa các chứng đau do co thắt đường tiêu hóa, tử cung.

Cây Lạc tiên, Nhãn lồng, hay chùm bao - Passiflora foetida L., thuộc họ Lạc tiên - Passifloraceae.

Trong đông dược, lạc tiên thường có một số sản phẩm:

Dạng nước:

- Cao lạc tiên: Có loại đóng chai 100ml, chai 280ml, cao lỏng, gồm có: lạc tiên, lá dâu, lá vông, tá dược.

Có dạng sản phẩm còn thêm liên tam.

- Bổ tâm an thần: Cao lỏng, chai 125ml, có: lạc tiên, lá dâu, lá vông, đại táo, thảo quyết minh, mạch môn, toan táo nhân.

- Thanh huyết trị gan tố: Thuốc nước, chai 280ml. Có lạc tiên, lá dâu, actisô, xuyên sơn giáp, ké đầu ngựa, kim ngân hoa, sơn tra, nhân trần, sinh địa, phục linh.

Dạng viên:

- Dengu: Viên bao đường: Có lạc tiên, vông nem, tâm sen, táo nhân, mắc cỡ, xuyên khung, trích tinh valerian.

- Thuốc an thần sleeping: Viên bao phim. Có lạc tiên, lá vông, tâm sen.

- Linh trung an thần: Hoàn cứng. Có lạc tiên, tơ hồng, sinh địa, viễn chí, táo nhân, phục thần, sa sâm, đan sâm, đẳng sâm.

- Bổ tâm an thần hoàn: Hoàn cứng. Có lạc tiên, lá vông nem, tâm sen, thảo quyết minh, hoài sơn, táo nhân, long nhãn.

Dạng trà:

- Trà an thần sevona hoặc sevona: Gói 1g-2g, gồm có: lạc tiên, sen, vông nem, tá dược.

- Trà túi lọc mimosa: Gói 1,5g, có lạc tiên, trinh nữ, vông, sen.

- Trà an thần: Gói 1,5g, trà túi lọc có: cao lạc tiên, bột lạc tiên thô, cao vông nem, bột thô vông nem, tâm sen, cam thảo bắc.

- Trà an thần volase: Gói 5g, trà hòa tan có: cao lạc tiên, cao lá vông, cao lá sen.

- Linh chi sâm: Trà túi lọc, gói 1,2g có linh chi, lạc tiên, nhân sâm, rau má.

Cây Lạc tiên, Nhãn lồng, hay chùm bao - Passiflora foetida L., thuộc họ Lạc tiên - Passifloraceae.

Hoa và quả Cây Lạc Tiên

Trong tân dược có các sản phẩm:

Carditonyl (XNDP 25)

Lọ 25ml thuốc giọt, cứ 100ml có 10g natri comphosulfonat và 20g cao lỏng lạc tiên. Có sản phẩm cortonyl, cùng đơn vị sản xuất, cùng hàm lượng natri comphosulfonat nhưng lượng lạc tiên ít hơn 20 lần.
Dùng trợ tim mạch và hô hấp. Cấp cứu ngất xỉu do bệnh tim, do dùng thuốc an thần kinh quá liều.
Nardyl (Pháp)

Mỗi viên có: Cao mềm lạc tiên, cao mềm valerian, calci bromid, amobarbital và prometazin.
Tác dụng: Làm êm dịu, gây ngủ, chống co thắt, dùng trong trường hợp: ưu tư, hay cáu giận, vật vã, đánh trống ngực, loạn thần kinh, đau do co thắt, rối loạn thần kinh thực vật.
Lưu ý: Thuốc làm buồn ngủ. Cấm uống rượu khi dùng thuốc.

Veinotonyl (Pháp)

Viên nang có: Cao hạt dẻ Ấn Độ, cao khô cồn lạc tiên, cao khô cồn sơn tra, permetol, aescin.
Tác dụng: Che chở và trợ tĩnh mạch; dùng để điều trị suy tĩnh mạch - bạch huyết: chân nặng, dị cảm, co rút, đau nhức, phù.

Trong kháng chiến chống Pháp còn dùng lá lạc tiên để điều chế thuốc dạng filatov...

Như trên đã nói, tuy cây lạc tiên có mặt trong nhiều sản phẩm, nhưng ở ta chưa có sự đầu tư công sức, trí tuệ thỏa đáng để tiến hành nghiên cứu kỹ về nhiều mặt đối với các loài lạc tiên có ở nước ta và ở một số nước (có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp), chưa có vùng chuyên canh trồng trọt để có thể chọn lọc loài có hiệu quả điều trị và kinh tế cao. Ngoài ra, hiện nay lạc tiên mới chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp (ngành dược) chưa mở rộng sang các lĩnh vực khác như thực phẩm, mỹ phẩm... mà khả năng đóng góp của lạc tiên rất nhiều triển vọng.

Hy vọng tương lai cây lạc tiên sẽ được sự quan tâm đầy đủ hơn nhằm phát huy các ưu thế mà tạo hóa đã ban cho.

(Nguồn tin: Báo sức khỏe và đời sống số 878- Thứ năm 20/10/2005)