Các sản phẩm dệt may phải công bố hợp quy về formaldehyt và amin thơm từ 1/1/2019

Từ ngày 1/1/2019, tất cả các doanh nghiệp dệt may bán hàng tại thị trường trong nước phải tuân thủ QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các admin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm trong sản phẩm dệt may.

Từ 1/1/2019 các sản phẩm dệt may tiêu thụ trong nước phải đáp ứng quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các admin thơm.

Được coi là năm tăng trưởng với ngành dệt may Việt Nam, năm 2018 ngành dệt may đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu, giúp Việt Nam giữ vững vị trí top 5 về xuất khẩu hàng dệt may. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10 năm 2018, tổng trị giá xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 25,17 tỷ USD, tăng 17,1%, tương ứng tăng 3,68 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017.

Và năm 2019 tới đây sẽ có nhiều cơ hội cho ngành dệt may do các Hiệp định tự do thương mại đã được ký kết, tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU... siết chặt quy định về hàng hóa nhập khẩu, ví dụ như quy định quản lý hóa chất (REACH) gồm các nội dung nghiêm ngặt về: Đăng ký, Đánh giá, Chứng nhận và Hạn chế các chất hóa học đối với hàng hóa. Đồng thời, cần đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật để hàng dệt may nhập khẩu vào Việt Nam từ các thị trường nước ngoài cũng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam.

Ý thức được việc cần nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hàng dệt may để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các điều kiện xuất khẩu, theo Thông tư 07/2018/TT-BCT điều chỉnh hiệu lực của Thông tư 21/2017/TT-BCT, từ 1/1/2019 hàng dệt may tiêu thụ trong nước bắt buộc phải công bố hợp quy về formaldehyt và amin thơm.

Quy chuẩn này quy định, mức giới hạn hàm lượng formaldehyt của sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam không được vượt quá 30mg/kg (đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi); 75mg/kg (đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da) và 300mg/kg (đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da).

Trong khi đó, giới hạn về hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg.

Với quy chuẩn này, các sản phẩm dệt may, may mặc (vải, quần, áo, giày vải, chăn, ga, gối, nệm…) kinh doanh trên thị trường Việt Nam trước khi bán hàng hóa ra thị trường phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) theo các quy định hiện hành.

Cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp được công bố hợp quy dưới hai hình thức là tự công bố hoặc dựa trên kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức được chỉ định.

Hồ sơ công bố hợp quy sẽ được gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để cơ quan này báo cáo Bộ Công Thương số lượng sản phẩm công bố hợp quy 2 quý 1 lần. Sau khi gửi hồ sơ là đã được phép đưa hàng hóa ra thị trường.

Bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có QCVN về giới hạn hàm lượng formaldehyt và amin thơm.

Trước đây, khi chưa có QCVN này, Bộ Công Thương đã ban hành các thông tư như Thông tư 32/2009/TT-BCT, rồi sau này là Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.

Chất formaldehyde có trong nhiều các sản phẩm khác.

Quần áo chứa “formadehyte” đầu độc người sử dụng

Hàng dệt may chất lượng thấp, đa phần của Trung Quốc bị nghi có chứa hàm lượng formaldehyde (chất có nguy cơ gây ung thư dẫn đến tử vong) cao vượt ngưỡng cho phép, trong khi thứ hàng hóa này đang được thẩm lậu vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Người tiêu dùng do hám rẻ đã không lường đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

*GS.TS Nguyễn Hải Nam - Trưởng bộ môn Hóa dược (Trường Đại học Dược Hà Nội): Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Cơ thể con người nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng... Formaldehyde tồn tại trong vải là hoàn toàn có thể, không phân biệt vải dệt của nhà máy hay vải dệt thủ công truyền thống. Formaldehyde tồn tại trong vải do được sử dụng trong công đoạn in nhuộm và hoàn tất nhằm giữ màu và tạo liên kết ngang để chống nhăn trong khâu hoàn tất, chống nấm mốc. Dùng formaldehyde dạng nhựa trong xử lý hoàn tất để chống nhàu, phần lớn áp dụng cho các sản phẩm dệt từ sợi thiên nhiên như cotton, tơ tằm... Mặc dù hiện nay có rất nhiều công nghệ và hóa chất khác để thay thế formaldehyde, nhưng formaldehyde vẫn được sử dụng trong công nghiệp dệt vì giá thành rẻ.

PGS.TS Trần Việt Hùng- Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Thuốc trung ương: Formaldehyde là một trong những hóa chất công nghiệp cơ bản, rất độc nhưng lại rất thông dụng. Sản lượng formaldehyde thế giới hiện nay khoảng 20 triệu tấn/năm và tăng hàng năm khoảng 5%, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng các loại hóa chất thông dụng. Hiện nay còn nhiều nước (trong đó có Việt Nam), về tiêu chuẩn chất lượng vải không đề cập đến formaldehyde. Do đó, các lô hàng quần áo nhập khẩu vào Việt Nam không bị kiểm nghiệm tiêu chuẩn này. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra xác định được formaldehyde trong vải nhưng do chưa có quy định nên không kiểm tra.