Hình ảnh cây Hồ lô ba
Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu cây Hồ lô ba
Hồ lô ba - Trigonella faenum graecum L., thuộc họ Đậu - Fabaceae
Mô tả: Cây thảo có thân tròn, mọc đứng, cao 20-80cm, sống hằng năm, có rễ chính phát triển. Lá mọc so le có 3 lá chét xoan ngược, dài 1-3,5cm, rộng 0,5-1,5cm, mép có răng ở nửa trên, gân phụ 4 cặp; cuống dài 1,5-2cm; lá kèm nhọn, dài 4-6mm. Hoa ở nách lá, mọc đơn độc hay từng đôi; đài có lông, có răng nhọn; tràng dài bằng hai đài, màu vàng nhạt hay trắng. Quả hình trụ thẳng hơi cong, dài 10-12cm, rộng 4-5mm, hơi nhẵn, có mỏ nhọn ở đầu; hạt nhiều (10-12cm), màu nâu trắng, hơi hình thoi, dẹp, rất cứng, có mùi thơm.
Hoa tháng 4-6, quả tháng 7-8.
Bộ phận dùng: Hạt - Semen Trigonellae, thường gọi là Hồ lô ba
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng ôn đới ở châu Âu và cả ở Bắc Phi châu, là cây thức ăn gia súc, nhưng cũng thường được trồng, có ưu thế là có chu kỳ sống nhanh, chỉ cần 3-5 tháng là có thu hoạch; mỗi năm có thể thu hoạch ba lứa. Thu hái quả phơi khô, đập lấy hạt dùng. Ta cũng có trồng thí nghiệm ở vườn thuốc Văn Điển.
Thành phần hóa học: hạt chứa protein 26%, lipit không trung hoà 7%. Các chất chính là trigonellin, diosgenin-b D-glucoside (1%), vitexin, saponaretin, isoorentin, vitegin-7 glucoside, vicenin l, ll.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng tính ấm; có tác dụng ôn thận, tán hàn, chỉ thống.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng làm thuốc bổ dưỡng chung nhất là bổ thận.
Ở Trung Quốc dùng trị tạng thận hư yếu, đau dạ dày, đau ruột, chân sưng, đi lại khó khăn do ẩm thấp.
Ở Tuynidi, hạt làm bột lẫn nước đường, dùng cho người gầy yếu, đi tả, đau bụng, sốt rét, đau dạ dày ở trẻ sơ sinh; có thể sắc hạt lấy nước uống. Người ta còn dùng bột trộn với dầu ôliu ăn trị ho. Nước sắc hạt dùng súc miệng trị đau bụng và còn dùng hạt ngâm trong nước hoa hồng làm thuốc nhỏ mắt đau. Người ta cũng dùng Hồ lô ba chữa nhiều bệnh ngoài da như mụn nhọt, apxe bằng cách dùng bột hạt hoà nước làm thuốc đắp. Các ngọn cây có hoa hơ lửa cho bốc hơi rồi đắp nóng và băng lại dùng trị chín mé.