Cây dược liệu cây Hải anh - Limonium bicolor (Bunge) Kuntze (Statice bicolor Bunge)

Dược liệu Hải anh Vị chát, đắng, tính bình; có tác dụng hoạt huyết, chỉ huyết, tán ứ. ở Trung Quốc (Thiểm Tây) cây được dùng chữa: Tử cung xuất huyết; Loét cổ tử cung.

Hình ảnh hoa cây Hải anh

Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu cây Hải anh

Hải anh - Limonium bicolor (Bunge) Kuntze (Statice bicolor Bunge), thuộc họ Đuôi công - Plumbaginaceae.

Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, cao 20-70cm, không có lông, có rễ trụ to. Lá mọc chụm ở đất, phiến thon ngược, dài 2-7 cm, rộng 1-2,5cm, đầu tù tròn, gốc tù từ từ hẹp thành cuống. Cụm hoa không lông, cao đến 40cm, lưỡng phân; các nhánh màu tím hồng. Hoa dài 6-8mm, lá dài 5 màu trắng, cánh hoa 5, màu vàng, dính nhau một ít, nhị 5 dính trên cánh hoa, bầu cao 2mm, 1 ô. Quả có lông, mang dài tồn tại.

Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Limonii Bicoloris, ở Trung Quốc gọi là Nhị sắc bổ huyết thảo.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc trên đất cát bờ biển miền Trung, vùng Ninh Thuận (Cà Ná). Cũng phân bố ở Trung Quốc, Mông Cổ.

Tính vị, tác dụng: Vị chát, đắng, tính bình; có tác dụng hoạt huyết, chỉ huyết, tán ứ.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: ở Trung Quốc (Thiểm Tây) cây được dùng chữa: 1. Tử cung xuất huyết; 2. Loét cổ tử cung. Liều dùng 20-40g, dạng thuốc sắc.

Ghi chú: Một loài khác là Limonium sinense (Girald) Kuntze, có rễ (hoặc cây) cũng có vị đắng, tính mát, có tác dụng hạ nhiệt, cầm máu, được sử dụng ở Trung Quốc để chữa: 1. Lậu, ỉa ra phân đen, sa trực tràng; 2. Rong kinh, bạch đới; 3. Cụm nhọt. Còn có một loài khác là Limonium sinuatum (L. ) Mill, gọi là Trường anh, gốc ở Địa Trung Hải được trồng ở Đà Lạt làm cây cảnh.