Tên đầy đủ của viên thuốc con nhộng này là SOMA (Self Orienting Millimeter Scale Applicator, Ứng dụng tự định hướng tới cấp độ milimet). Mọi người đều biết tới hình dáng quen thuộc của con rùa với chiếc mai khum khum trên lưng, và một khi bị lật ngửa thì rất khó thể nào rùa tự lật lại.
Các nhà nghiên cứu của MIT đã lấy cảm hứng của rùa để sáng chế ra Culbuto, bên trong có rùa chứa insulin. Chỉ có điều khác với rùa thật, loại rùa này có khả năng tự lật mình lại.
Mặc dù những “chú rùa” này vẫn có thể chứa các loại thuốc cho nhiều bệnh khác nhau nhưng ở đây các nhà nghiên cứu đã dành ưu tiên cho bệnh nhân tiểu đường. Đúng thời điểm, bệnh nhân chỉ việc nuốt viên thuốc con nhộng.
Một khi vào tới dạ dày, đúng vị trí, insulin được nén rất mạnh với dạng hình kim bên trong thân rùa sẽ tự động thò mũi kim xuyên qua niêm mạc dạ dày và phát tán insulin.
Điểm đặc biệt là mũi kim chỉ bung ra khi tiếp xúc với niêm mạc dạ dày và đồng thời cũng không gây đau vì ở đây là khu vực không có các thụ thể tiếp nhận cảm giác đau.
Mỗi lần tiêm, rùa sử dụng phần insulin phía dưới, tức phía gần với niêm mạc dạ dày. Sau khi hết lớp này, rùa sẽ lật ngửa mình lại cho lớp insulin phía trên đổ dồn xuống rồi lật sấp lại với lớp insulin đã sẵn sàng, chuẩn bị cho lần tiêm kế tiếp.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sau nhiều năm tìm mọi phương thức điều tiết insulin cho bệnh nhân tiểu đường thì nay Culbuto chính là viên thuốc lý tưởng vì bệnh nhân không còn cần phải sử dụng tới ống tiêm để chích dưới da hằng ngày.
Nhưng cũng có chút thắc mắc là tại sao lại chọn hình dáng của loài rùa, chính xác là loài rùa báo (leopard tortoise), mà không phải là loài nào khác?
Lý do, thực sự không hẳn là lấy cảm hứng mà chính vì hình dáng này có trọng lượng và mật độ cho phép “rùa” tìm được định hướng tối ưu nhất. Nhờ vậy, khi được nuốt vào thực quản, rơi xuống dạ dày, Culbuto sẽ đáp đúng vị trí và tự tìm lấy một góc thích hợp để làm nơi điều tiết insulin.
Hiện nay Culbuto chỉ mới được thử nghiệm trên loài heo với liều 5 miligam insulin, liều tương đương với nhu cầu của bệnh nhân bị tiểu đường loại 1. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết sắp tới họ sẽ ứng dụng các loại thuốc khác như hormone, kháng thể... nhằm chữa trị cho nhiều loại bệnh khác.
Được biết, đây là một công trình được sự phối hợp của MIT với Trường Y Harvard, Bệnh viện nổi tiếng Brigham and Women’ s Hospital của Mỹ và Novo Nordisk, một công ty dược đa quốc gia của Đan Mạch có trụ sở tại Bagsværd, Đan Mạch, với các cơ sở sản xuất tại tám quốc gia và các chi nhánh hoặc văn phòng tại 75 quốc gia khác.
Thiện Hải (Science)