Thạc sĩ Mỹ Nương nghiên cứu cơ chế phân tử kháng ung thư của bài thuốc Nam Địa Long trên mô hình tế bào trong phòng thí nghiệm
Với mong muốn y học cổ truyền (Y học cổ truyền) có chỗ đứng trong điều trị bệnh, tác dụng của các bài thuốc đông y được chứng minh bằng khoa học thay bằng truyền miệng như hiện nay, thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Nương, 32 tuổi (giảng viên bộ môn Di truyền, Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) và các cộng sự đã nghiên cứu cơ chế phân tử kháng ung thư của bài thuốc Nam Địa Long trên mô hình tế bào để từng bước chứng minh điều đó.
Sinh ra và lớn lên ở vùng miệt vườn tỉnh Long An, chị Nương đã từng chứng kiến nhiều người thân sử dụng các bài thuốc dân gian, thuốc đông y để điều trị bệnh. Ngay bản thân chị, hồi nhỏ mỗi khi đau bệnh cũng được gia đình cho uống nhiều loại nước được sắc từ các bài thuốc đông y.
Mặc dù nhiều bài thuốc đông y đã được truyền miệng về công dụng và sử dụng khá rộng rãi ở nước ta nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào được công bố về cơ chế hoạt động.
Thậm chí chưa có công trình nào sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại để nghiên cứu và chứng minh tác dụng của các bài thuốc đông y bằng những định lượng và định tính cụ thể. Chính những trăn trở ấy, ngay từ khi còn là sinh viên, chị Nương đã ấp ủ dự định chứng minh tác dụng của thuốc đông y.
“Thời điểm đó, cộng sự nghiên cứu chung với tôi giới thiệu rất nhiều bài thuốc hay nhưng khi tìm hiểu, hầu hết các nguyên liệu, dược liệu đều phải nhập từ Trung Quốc.
Chưa kể yếu tố giá thành, chỉ tính đến việc khó kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đã là một điểm trừ. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục “lục tung” kho tư liệu để tìm những bài thuốc có nguyên liệu phổ biến, sẵn có ở Việt Nam, dễ nuôi, dễ trồng.
Sau nhiều ngày chắt lọc, đầu năm 2011, bài thuốc Nam Địa Long gồm các loại nguyên liệu địa long, đậu đen, đậu xanh và bồ ngót được cả nhóm lựa chọn với mong muốn đó sẽ là tiền đề để bào chế ra bài thuốc đông y điều trị cho bệnh nhân mắc ung thư”, chị Nương chia sẻ.
Theo thạc sĩ Nương, chặng đường để chứng minh tác dụng của bài thuốc Nam Địa Long đối với tế bào ung thư là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, chuyên môn của chị là sinh học (chủ yếu làm những thí nghiệm về hoạt tính sinh học, cơ chế hoạt động) trong khi nghiên cứu về Y học cổ truyền phải kết hợp với nhóm có chuyên môn về đông y (để cung cấp các bài thuốc cũng như giải nghĩa các thành phần của bài thuốc) và nhóm chuyên môn về hóa học (để phân tích thành phần hóa học, xác định tính ổn định cũng như tiêu chuẩn của bài thuốc).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Y học cổ truyền nói chung không có sức hút với giới chuyên môn. Còn bài thuốc Nam Địa Long mà chị nghiên cứu, nếu thành công thì công dụng trong điều trị cũng rất chậm chứ không nhanh chóng, thậm chí tức thời như tây y, do đó không mấy người mặn mà với công trình của thạc sĩ Nương.
Được sự động viên và hướng dẫn nhiệt tình của PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương (Trưởng bộ môn Di truyền, Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM), sau nhiều thời gian tìm kiếm, chị Nương cũng kết nối được với một số giảng viên Khoa Hóa học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên); giảng viên Khoa Y học cổ truyền (Trường ĐH Y Dược TPHCM) và bác sĩ tại Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM.
Sau 7 năm nghiên cứu và thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư phổ biến là ung thư vú, phổi, gan, kết quả cho thấy bài thuốc gây chết mạnh ở tế bào ung thư vú và ít gây chết ở các dòng tế bào thường, tác động diệt tế bào ung thư của bài thuốc cũng cao hơn rất nhiều so với từng vị riêng lẻ.
Công trình nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí BMC Complementary and Alternative Medicine - tạp chí uy tín trong lĩnh học Y học cổ truyền.
Tuy đã chứng minh được tác dụng của bài thuốc Nam Địa Long nhưng hiện công trình này mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu trên dòng tế bào ung thư nuôi cấy, chưa đưa ra ứng dụng trên động vật, do đó để tiếp cận được với người bệnh còn là chặng đường rất dài phía trước mà thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Nương cùng cộng sự phải nỗ lực nghiên cứu nhiều hơn nữa
Theo Phương Uyên (SGGP)