Nghiên cứu mới mở ra hy vọng về phòng ngừa virus HIV nguy hiểm

Việc cấy ghép một thiết bị với kích cỡ chỉ bằng que diêm có thể giúp ngăn chặn sự lây nhiễm HIV ở những người có nguy cơ cao trong khoảng thời gian lên tới một năm.

Việc ngăn ngừa virus HIV gây Hội chứng Suy giảm miễn dịch ở người (AIDS) đang đứng trước bước ngoặt mang tính cách mạng, sau khi những thử nghiệm ban đầu cho thấy việc cấy ghép một thiết bị với kích cỡ chỉ bằng que diêm có thể giúp ngăn chặn sự lây nhiễm ở những người có nguy cơ cao trong khoảng thời gian lên tới một năm.

Theo nghiên cứu công bố ngày 23/7 tại Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 10 về AIDS diễn ra ở thủ Mexico City, Mexico, các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị này có thể đem lại cách tiếp cận mới cho việc ngăn ngừa HIV.

Thiết bị sử dụng một phân tử gọi là MK-8591, mạnh gấp 10 lần so với thuốc chống phơi nhiễm HIV hiện nay trên thị trường, và tạo ra được một rào cản lớn giúp chống lại việc virus kháng thuốc.

Giám đốc về Phát triển y tế toàn cầu về nghiên cứu virus tại trung tâm MSD Mike Robertson cho biết thiết bị sẽ từ từ phóng ra thuốc và duy trì nồng độ ổn định trong cơ thể.

Với phương pháp ngăn ngừa kiểu này, thiết bị sẽ giúp người sử dụng tránh bị lây nhiễm HIV.

Theo ông Robertson, việc cấy ghép, hoặc thậm chí mỗi tháng uống 1 viên chứa thành phần hiệu quả tương tự như thiết bị trên có thể đem lại nhiều lựa chọn cho những nhóm người đang có nguy cơ nhiễm virus cao.

Hiện tại những người có nguy cơ lây nhiễm HIV phải uống một viên thuốc mỗi ngày để chống phơi nhiễm.

Bên cạnh đó, hội nghị lần này cũng công bố các nghiên cứu mới nhất về việc kiểm tra độ an toàn và tác dụng của vắcxin phòng ngừa HIV. Giai đoạn thử nghiệm thứ hai đã diễn ra tại Kenya, Rwanda và Mỹ đối với nhóm người có sức khỏe tốt, ít nguy cơ lây nhiễm HIV.

Kết quả cho thấy vắcxin có tác dụng tốt đối với các đối tượng được thử nghiệm. Giai đoạn 3 hiện đang được lên kế hoạch triển khai.

Trong báo cáo thường niên về HIV/AIDS, Liên hợp quốc cho biết tỷ lệ tử vong do bệnh AIDS đã giảm 1/3 kể từ năm 2010 xuống còn khoảng 770.000 ca vào năm 2018.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc cảnh báo quá trình giảm tỷ lệ lây nhiễm mới vẫn còn chậm trên thế giới, và tại một số khu vực như Đông Âu và Trung Đông, tỷ lệ này thậm chí còn tăng mạnh.

Theo TTXVN