Câu hỏi về cách kiềm chế cảm xúc:
Con là giáo viên mầm non. Mong muốn của con và nhiều cô giáo khác là làm công việc của mình thật tốt nhưng đôi khi lại bị những cảm xúc tiêu cực, không kìm được bản thân mình. Con muốn hỏi Thầy: Làm thế nào để kiềm chế cảm xúc, không quá tức giận ạ? Và làm thế nào để điều hành, xử lý mọi tình huống được nhẹ nhàng và thông minh nhất ạ? Con xin cảm ơn Thầy ạ!
Xem thêm bài: 10 điều cô giáo mầm non mong bố mẹ hiểu
Thầy Thích Trúc Thái Minh trả lời:
Cách kiềm chế cảm xúc và giữ bình tĩnh trước mọi việc
Với tư cách là những người thầy, cô giáo, khi tiếp xúc với các cháu nhỏ hay khóc ầm ĩ, “ỉa dầm đái dề” hàng ngày khiến chúng ta rất căng thẳng thì chúng ta phải làm sao để tâm mình bình tĩnh được?Thầy khuyên các cô giáo nên đi học một khóa thiền của nhà Phật. Khi biết thiền, chúng ta sẽ xả bỏ các căng thẳng rất nhanh. Nhưng khi chưa thiền ngay được thì chúng ta phải tu đức nhẫn. Thầy lấy ví dụ từ kinh nghiệm của chính bản thân Thầy: Ngày xưa, tính Thầy cũng hay nóng vội, làm việc gì cũng muốn nhanh nên Thầy phải học cô Tấm trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Thầy lấy một ca thóc với một ca gạo trộn lẫn vào nhau. Sau đó, Thầy tự ngồi nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo để rèn chữ nhẫn. Cho nên, chúng ta phải thực tập từ những sự nhẫn nhỏ rồi mới đến nhẫn lớn.
Đối với giáo viên, vì áp lực công việc căng thẳng nên đầu ngày mình có thể nở nụ cười nhưng khi các cháu khóc suốt ngày thì mình sẽ bị căng thẳng. Thế nên hàng ngày, mình phải tập đức nhẫn từng chút một. Ví dụ: Chúng ta có thể thu âm một buổi các cháu khóc la rất nhiều để về mình nghe xem mình nhẫn thế nào? Nếu mình vượt qua thì đó gọi là “tiêm phòng”. Bản thân Thầy Thái Minh trước đây cũng phải tập những việc tương tự. Thầy rất sợ ma nên Thầy cũng liều để Thầy trị bệnh sợ ma của mình bằng cách Thầy quyết định đi ra nghĩa địa, nằm bên cạnh một ngôi mộ lúc trời tờ mờ sáng vào khoảng hơn 4 giờ.
Thầy nghĩ cùng lắm ma lên bóp cổ mình chết là cùng vì đằng nào mà chẳng chết.Vậy nên, các cô giáo cũng phải tu tập, không tu tập thì không bao giờ có đức nhẫn dày. Đức nhẫn dày thì mình mới chịu được những căng thẳng, sang chấn lớn Giống như trái đất, chỗ nào đất dày thì ít bị động đất; chỗ nào đất mỏng, bị động đất là vỡ, sụt xuống và nổ ngay. Chúng ta tập nhẫn, sau đó tập thiền thì tâm mình sẽ ít bị dính mắc, không bị những ngoại lai tác động nhiều vào trong tâm. Đây là một kỹ thuật về thiền.
Chúng ta có thể đến chùa nhờ các Thầy hướng dẫn hoặc đến các trung tâm họ hướng dẫn mình thực tập những bài thiền rất đơn giản, thiền buông thư thì tự nhiên mình dễ xả được những stress
Thiền giúp ta giải tỏa căng thẳng, giảm stress
Nếu được, mọi người nên học một khóa về thiền. Chúng ta có thể đến chùa nhờ các Thầy hướng dẫn hoặc đến các trung tâm họ hướng dẫn mình thực tập những bài thiền rất đơn giản, thiền buông thư thì tự nhiên mình dễ xả được những stress. Thầy nói điều này triết lý hơi sâu: Chúng ta mặc quần áo đi qua một cánh đồng cỏ may, những cây cỏ may đâm và bám đầy vào quần áo của mình. Tâm của mình cũng thế, nếu tâm của mình ví như những ống quần thì tiếng khóc, tiếng la sẽ đậu và găm vào trong tâm mình, khi đó, mình sinh cáu gắt. Nhưng nếu mình biết thiền thì sẽ làm cho tâm gần như không có sự cáu gắt, khó chịu, cũng giống như mình mặc quần đùi, cỏ may không đâm vào chân và bám vào quần áo mình được. Cho nên, người biết thiền thì làm cho tâm mình trở về bình lặng khiến cho phiền não, bực bội không có chỗ bám vào. Nhưng để làm được điều này cần phải có thời gian học và rèn luyện.
Thầy nghĩ không chỉ cô giáo mầm non mà tất cả chúng ta ai cũng nên học thiền. Ở Nhật Bản, trước khi công nhân vào làm việc, họ được ngồi thiền 10- 15 phút với tâm không dính mắc. Đầu tiên mình chưa làm được thì mình phải tập đức nhẫn, nhẫn càng dày thì càng tốt. Sau đó, mình sẽ tập thiền. Ngày xưa, các Thầy tập ngồi thiền rất đau chân. Lần đầu các Thầy ngồi chỉ được 15 phút. Huynh đệ của Thầy, có những người chân bị khuỳnh không ngồi được thiền nên đã lấy cả tảng đá đè lên chân để ngồi thiền cho bằng được. Hay Thầy Trụ trì chùa Sùng Phúc ngày xưa là Thầy Thông Giác, khi còn là Đại tá Công an, Thầy Thông Giác đã học thiền nhưng đau chân quá chỉ muốn duỗi chân ra. Thế nhưng,với ý chí của mình, Thầy ấy đã lấy dây xích khóa chân vào rồi quăng chìa khóa ra xa, ngồi cắn răng chịu đau đúng hai tiếng.
Cho nên, các cô giáo phải tập nhẫn. Nếu không tập nhẫn được thì làm cô giáo mầm non rất khó. Việc này cần phải có sự công phu thực tập.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh
Nguồn bài viết: https://phatgiao.org.vn/cach-kiem-che-cam-xuc-giam-stress-cang-thang-trong-cuoc-song-d39211.html