Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), đến năm 2050, khi dân số đạt 9 tỷ người, chúng ta sẽ cần sản xuất thêm 60% để cung cấp thức ăn cho tất cả mọi người. Điều này đồng nghĩa với việc để phát triển lương thực thực phẩm nhiều hơn thì cần phải sử dụng nước tưới nhiều hơn, và theo khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khi đó, áp lực đối với nguồn nước sẽ tăng lên đáng kinh ngạc, 55%.
Nỗ lực kiểm soát khan hiếm và ô nhiễm nước ở nhiều quốc gia ngày càng tăng đã thúc đẩy việc xử lý nước thải đô thị và nước thải công nghiệp, phù hợp kinh tế, bổ sung cho hệ thống cung cấp nước, đặc biệt khi so sánh với các giải pháp thay thế đắt tiền như khử muối hoặc phát triển các nguồn nước mới bao gồm xây đập và hồ chứa. Phần lớn nước thải chảy trở lại tự nhiên mà không được xử lý hoặc tái sử dụng, gây ô nhiễm môi trường.
Tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới nông nghiệp.
Việc tái sử dụng nước, khép kín chu trình nước tại một điểm gần các thành phố trở nên khả thi bằng cách sản xuất ra “nước mới” từ nước thải đô thị và giảm lượng nước thải ra môi trường. Đây cũng là Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG 6): giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý, tăng cường tái tạo và tái sử dụng nước an toàn.
Không có cách nào tốt hơn là tái sử dụng nước trong một trong những ngành đòi hỏi nhiều nước nhất: nông nghiệp. Hệ thống tưới nông nghiệp đã, đang và sẽ là nguồn tiêu thụ nước tái sử dụng lớn nhất với những lợi ích đã được công nhận và đóng góp vào an ninh lương thực.
Cần lưu ý rằng tính phù hợp của nước thải được xử lý cho từng mục đích tái sử dụng cụ thể phụ thuộc vào tính tương thích giữa lượng nước thải sẵn có (thể tích) và nhu cầu tưới nước trong suốt cả năm, cũng như chất lượng nước và các yêu cầu sử dụng cụ thể. Việc tái sử dụng nước cho tưới có thể gây ra một số rủi ro đối với sức khoẻ và môi trường, tùy thuộc vào chất lượng nước, phương pháp sử dụng nước tưới, đặc điểm đất, các điều kiện khí hậu và thực tiễn. Do đó, sức khoẻ cộng đồng và các tác động bất lợi về nông nghiệp và môi trường tiềm ẩn được coi là yếu tố ưu tiên trong việc phát triển thành công các dự án tái sử dụng nước cho tưới.
Để ngăn ngừa các tác động bất lợi tiềm tàng đó, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn hướng dẫn về tái sử dụng nước thải đã xử lý là rất cần thiết. Đây cũng chính là quan điểm của Naty Barak, Trưởng ban Ban kỹ thuật ISO về tái sử dụng nước (ISO/TC 282): “May mắn thay, ngày nay chúng ta có công nghệ loại bỏ hầu hết các chất gây ô nhiễm khỏi nước thải để nước thải an toàn cho mục đích sử dụng. Điều này phải được thực hiện theo các hướng dẫn nghiêm ngặt và rõ ràng, vì vậy các tiêu chuẩn là rất cần thiết”.
Để đáp ứng nhu cầu này, ISO đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 16075 về việc sử dụng an toàn nước thải đã qua xử lý phục vụ cho mục đích tưới nông nghiệp. ISO 16075 cung cấp hướng dẫn cho việc vận hành, quan trắc và duy trì tốt các dự án tái sử dụng nước đối với sức khỏe, thủy văn và môi trường cho các hoạt động tưới cho cây trồng nông nghiệp, vườn và các khu cảnh quan có sử dụng nước thải đã xử lý.
Chất lượng nước thải đã xử lý phải phản ánh được khả năng sử dụng dựa trên độ nhạy của cây trồng, các nguồn nước, đất, và các điều kiện khí hậu. ISO 16075 đề cập đến các yếu tố liên quan đến các dự án tái sử dụng nước dùng cho tưới bất kể quy mô, vị trí, và độ phức tạp. Các yếu tố này được áp dụng cho các mục đích sử dụng dự kiến của nước thải đã xử lý trong một dự án nhất định, ngay cả khi việc sử dụng đó được thay đổi trong thời gian hoạt động của dự án; như là kết quả của những thay đổi trong bản thân dự án hoặc luật áp dụng.
Barak giải thích: “ISO 16075 được thiết kế hướng đến người nông dân. “Ví dụ, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi thực tế xung quanh chất lượng nước, các loại cây trồng có thể được tưới, các rủi ro bạn nên biết và thành phần chính cần thiết như mạng lưới đường ống, kênh, hồ chứa… Tiêu chuẩn này giúp bạn tận dụng tối đa nguồn tài nguyên giàu chất dinh dưỡng này, đồng thời cải thiện sự an toàn và ngăn chặn mầm bệnh”.
Đối với Raymond Murenzi, Tổng giám đốc Uỷ ban tiêu chuẩn Rwandan (RSB), một trong những thành viên ISO, việc sử dụng ISO 16075 sẽ hỗ trợ tầm nhìn của quốc gia đối với cây trồng sản xuất trong nước để phù hợp với thông lệ quốc tế. “Tiêu chuẩn này sẽ giúp chúng tôi tăng xuất khẩu, tạo thêm việc làm, đảm bảo an toàn sức khỏe con người và môi trường. Nước thải cũng có thể được sử dụng cho các khu vực cảnh quan và sân vườn, thậm chí cả công nghiệp. Đó là thành tựu to lớn không chỉ cho đất nước mà còn cho cả khu vực. Chúng tôi nghĩ rằng các quốc gia châu Phi khác sẽ được hưởng lợi từ kinh nghiệm của chúng tôi”.
Trong tương lai, công nghệ sẽ tiếp tục phát triển, từ việc phát triển các chất dinh dưỡng, chất kiểm soát dịch hại và thiết bị nông nghiệp đến việc sử dụng công nghệ tính toán kết hợp với các thiết bị định vị (được gọi là “nông nghiệp chính xác”), sẽ thay đổi hoàn toàn cách cây trồng được quản lý. Tất cả những điều này đòi hỏi các tiêu chuẩn để tăng khả năng đáp ứng và đảm bảo chất lượng, an toàn. Khi chúng ta tiến vào kỷ nguyên nông nghiệp tiếp theo, phát triển công nghệ tái sử dụng nước thải đã xử lý phải tiếp tục là cơ sở cho sản xuất cây trồng bền vững. Có một điều chắc chắn: bền vững sẽ là chìa khóa quan trọng, nếu nông nghiệp muốn tiếp tục giữ vững và phát triển.
Nguồn: Vietq.vn