Người xưa thích sinh con trai vì năm điểm này

Người xưa rất coi trọng vấn đề sinh được con trai. Họ quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nghĩa là sinh mười người con gái cũng là số không, vì con gái là con người ta, con trai mới là con của mình.

Một thời Thế Tôn ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn, dạy các Tỷ kheo:

Thấy năm điều này, này các Tỷ kheo, mẹ cha muốn con trai sanh trong gia đình. Thế nào là năm? Ðược giúp đỡ, sẽ giúp đỡ chúng ta; hay sẽ làm công việc cho chúng ta; sẽ duy trì lâu dài truyền thống gia đình; sẽ tiếp tục di sản thừa hưởng; sẽ cúng dường hiến vật cho các hương linh bị mệnh chung.

Do thấy năm điểm này, này các Tỷ kheo, mẹ cha muốn con trai sanh trong gia đình.

Do thấy năm sự việc

Bậc trí muốn con trai

Ðược giúp, giúp ta lại

Sẽ làm việc cho ta

Sẽ duy trì lâu dài

Truyền thống của gia đình

Sẽ tiếp tục gìn giữ

Gia sản được thừa hưởng

Hay đối với hương linh

Hiến dâng các vật cúng

Do thấy sự việc ấy

Bậc trí muốn con trai.

Bậc Hiền thiện, Chân nhân

Nhớ ơn, biết trả ơn

Nhớ đến việc làm xưa

Họ hiếu dưỡng mẹ cha

Họ làm mọi công việc

Như trước làm cho họ

Thực hiện lời giảng dạy

Ðược giúp, hiếu dưỡng lại

Với truyền thống gia đình

Duy trì được lâu dài

Ðầy đủ tín và giới

Con trai được tán thán.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumana, phần Con trai, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.371)

Lời bàn:

Người xưa rất coi trọng vấn đề sinh được con trai. Họ quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nghĩa là sinh mười người con gái cũng là số không, vì con gái là con người ta, con trai mới là con của mình.

Đàn ông, con trai được chú trọng vì họ có sức mạnh để có thể lao động, săn bắt, chiến đấu với kẻ thù, giúp đỡ và phụng dưỡng những người thân, giữ gìn truyền thống gia tộc, nối dõi tông đường, kế thừa tài sản và nhất là cúng kính ông bà tổ tiên.

Tuy vậy, không phải người đàn ông, con trai nào cũng gương mẫu, có trách nhiệm, hội đủ các đức tính tốt đẹp kể trên. Nếu không được nuôi dưỡng và giáo dục đến nơi đến chốn đồng thời bản thân người ấy không tự rèn luyện, nỗ lực đoạn trừ những điều xấu ác để thăng hoa đến hoàn thiện thì dù có sinh mười người con trai như vậy cũng chẳng ích gì.

Trong khi có những gia đình sanh con gái nhưng nhờ khéo nuôi dạy trở nên ngoan hiền, hiếu nghĩa. Như vậy, vấn đề không phải là sinh con trai hay con gái mà quan trọng là sự giáo dưỡng thế nào để con cái trở nên hiếu thuận, có ích cho bản thân, gia đình và cuộc đời.

Trong bối cảnh hiện nay, con trai hay con gái đều có thể học tập, lao động, có trách nhiệm với gia đình và cống hiến cho xã hội như nhau nên quan niệm “con nào cũng là con” trở nên phổ biến. Đây là một tuệ giác, bởi phước báo gia đình cùng với sự tận tâm giáo dưỡng của cha mẹ sẽ un đúc nên tinh thần trách nhiệm, đạo đức, ngoan hiền, hiếu thuận cho con, dù cho đó là con trai hay con gái.

Quảng Tánh theo phatgiao.org.vn