Review phim trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự

ANTD.VN - Thời gian qua, trên mạng xã hội, các clip review phim xuất hiện tràn lan thu hút hàng triệu lượt xem, chia sẻ …Nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, hành vi này có xâm phạm bản quyền tác giả?

Trên nền tảng YouTube, Facebook Watch chỉ cần gõ “review phim” hoặc “tóm tắt phim”, có hàng loạt bộ phim được tóm tắt từ 7-10 phút thu hút hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu lượt xem giúp chủ kênh có nhiều lượt tương tác nhằm thu về số lợi nhuận khủng.

Điểm chung của các video tóm tắt phim được đăng tải trên YouTube hay Facebook đều là những tác phẩm điện ảnh được cắt ghép, lồng tiếng được thu gọn .

Khi xem các đoạn video này, phần lớn người xem cho rằng, chúng đã đáp ứng được việc tiết kiệm thời gian, nhanh gọn mà vẫn nắm toàn bộ nội dung phim mà không biết rằng bản thân đang vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm bản quyền.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, review phim là nêu lên cảm nhận, đánh giá chủ quan của người review về bộ phim đã xem đó.

Review là nêu cảm nhận, nhận xét các tình tiết đặc sắc của phim.

Song hiện nay, bản chất của review phim ở Việt Nam lại là biến tướng của việc tóm tắt nội dung phim - Recap phim (chỉ việc tóm tắt lại toàn bộ nội dung hoặc từng phần nội dung của bộ phim).

Do đó, các đoạn phim ngắn thường xuất hiện trên mạng xã hội và được đặt tiêu đề là review phim thực chất lại là recap phim bởi các video này hầu như chỉ thường thuật lại toàn bộ chi tiết bộ phim.

Theo khoản 7, 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, một các hành vi xâm phạm quyền tác giả là làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh; Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, ngoại trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì việc làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/ chủ sở hữu tác phẩm gốc - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Bên cạnh đó, việc review phim không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và cũng không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định.

Từ phân tích trên có thể thấy, review phim mà tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung phim đang có là xâm phạm bản quyền tác phẩm, quyền chủ sở hữu tác phẩm. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi, cá nhân, tổ chức làm review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo Điều 225 BLHS 2015 sửa đổi, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho tác giả từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo anninhthudo.vn