Theo Medical Xpress, những phát hiện này trái ngược với Cochrane Review, một bản đánh giá dựa trên nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận Cochrane của Anh chủ trì trước đó mà nhiều thành viên trong nhóm mới này cũng tham gia.
Nghiên cứu mới - được dẫn đầu bởi giáo sư lâm sàng về nhiễm trùng hô hấp và miễn dịch Adrian Martineau của Trường Đại học Queen Mary - đã phân tích dữ liệu từ 20 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, với tổng cộng 1.555 trẻ em và 1.070 người lớn mắc bệnh hen suyễn.
Con số này hơn gấp đôi mẫu nghiên cứu trước.
Nhóm khoa học gia Queen Mary đã cho các bệnh nhân dùng vitamin D hoặc giả dược, tức họ không biết mình có uống vitamin D bổ sung hay không. Kết quả theo dõi cho thấy hoàn toàn không có khác biệt có ý nghĩa thống kê nào về tần suất lên cơn hen ở hai nhóm.
Người uống vitamin D cũng không có sự cải thiện nào về triệu chứng khi lên cơn hen, so với nhóm dùng giả dược. Kết quả là tương tự ở trẻ em và cả người lớn.
Thứ họ cần nhất vẫn là thuốc được kê đơn cho người bị hen suyễn để tránh việc bị nguy hiểm đến tính mạng vì cơn hen.
Tiến sĩ Anne Williamson, người cũng đến từ Queen Mary và tham gia cả hai nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi không thể chắc chắn tại sao kết quả cập nhật này lại khác với nghiên cứu ban đầu năm 2016. Có thể người bệnh hen suyễn được điều trị tốt hơn, hoặc tỉ lệ thiếu vitamin D đã giảm theo thời gian. Một trong hai yếu tố có thể làm chia sẻ tiềm năng từ việc bổ sung vitamin D".
Điều này khẳng định việc cập nhật các đánh giá và khuyến nghị dựa trên thực hiện lặp lại với quy mô lớn hơn các nghiên cứu được công bố là rất quan trọng, nhất là với các nghiên cứu dạng quan sát (chưa xác định cụ thể cơ chế).
Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng không tìm thấy bất lợi nào của Vitamin D đối với người hen suyễn, nên khuyến cáo vẫn có thể bổ sung vì các mục đích sức khỏe khác, nếu bạn thiếu hụt.
Công trình mới vừa được xuất bản trên Cochrane Database of Systematic Reviews.