Bước chân vào bảo tàng, du khách dường như bước vào một không gian khác tách biệt hẳn với sự ồn ào, vội vã đang hiện hữu từng góc phố của TPHCM. Dẫu cho nơi đây nằm cạnh những nhà hàng luôn trong tình trạng đông đúc và cách trục đường Ba Tháng Hai gần 500 mét.
Nơi cất giữ lịch sử ngành y học cổ truyền
Được xây dựng từ năm 2003, và đưa vào sử dụng vào năm 2007, Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam có diện tích gần 600m2 gồm một tầng trệt và 6 tầng lầu, với 18 gian phòng mở cửa cho khách tham quan. Sau khi xem xong một thước phim tài liệu giới thiệu lịch sử y học cổ truyền Việt Nam, du khách được hướng dẫn tham quan từ tầng cao nhất xuống tầng thấp nhất.
Nơi đây lưu giữ nhiều bộ sưu tập ấm chén thuốc, siêu sắc thuốc cổ từ thế kỷ 16 có nguồn gốc khắp mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Nhiều loại chày cối, cân ta, cân tiểu ly, triện gỗ phục vụ quá trình bốc thuốc, khám chữa bệnh của các lương y ngày xưa cũng được giới thiệu. Bảo tàng còn cất giữ nhiều loại dao cầu, thuyền tán, phục dựng mô hình nhà thuốc Bắc để khách tham quan, trải nghiệm cảnh bốc thuốc và khám bệnh.
Lầu 4 và lầu 5 tái hiện các sự kiện trong quá trình hình thành lịch sử y học cổ truyền Việt Nam. Nơi đây đặt bàn thờ hai tổ danh y lỗi lạc của Việt Nam là Thiền sư Tuệ Tĩnh - ông tổ của y học cổ truyền Việt Nam vào thế kỷ 14 và danh y Hải Thượng Lãn Ông Lễ Hữu Trác - người để lại nhiều công trình đồ sộ về y học cổ truyền trong thế kỷ 18. Đồng thời, du khách còn có cơ hội tìm hiểu một số hiện vật đồ đá và đồ đồng trong y học cổ truyền có niên đại từ thời tiền sử.
Lầu 3 là những gian phòng trưng bày hàng trăm mẫu cây thuốc, động vật, khoáng vật, dụng cụ bào chế thuốc của những lương y thời xưa. Tập tranh “Việt Nam bản thảo” cũng được đặt tại những gian phòng này.
Gần đến ngày 27.2, nhiều du khách trẻ hứng thú, dành nhiều giờ tìm hiểu về ngành y, trong đó có anh Đỗ Việt Phong, 23 tuổi, từ Bình Dương. Anh chia sẻ: “Ban đầu mình chỉ muốn chụp ảnh, nhưng khi tham quan và đọc tài liệu mình lại thấy hứng thú với y học cổ truyền của dân tộc. Nơi đây mang lại cảm giác được đắm mình trong văn hóa và lịch sử mà mình bỏ quên bấy lâu nay”.
Mô hình Thái Y Viện với những chi tiết chạm khắc tinh xảo.
Kiến trúc hoài cổ và đậm nét văn hóa
“Nhìn từ bên ngoài bảo tàng không khác gì một tòa nhà bêtông 5 tầng bình thường. Nhưng khi bước vào, nơi này mang đến cho mình cảm giác vỡ òa vì kiến trúc quá độc đáo, dáng dấp tựa như một ngôi nhà Việt Nam kiểu xưa” - anh Đỗ Văn Hoàng, 26 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, nói.
Bộ sưu tập dao cầu thái thuốc.
Nét cổ kính trong kiến trúc được lưu giữ bằng kết quả lao động của gần 50 thợ thủ công trong vòng ba năm. Toàn bộ công trình được dựng bằng gỗ với nhiều chi tiết chạm khắc tinh xảo trên cột nhà, cột trụ. Nhiều khung cửa được mang nguyên vẹn từ các căn nhà cổ miền Bắc. Lầu 4 và lầu 5 chủ yếu dùng kỹ thuật chạm gỗ, lầu 3 sử dụng kỹ thuật chạm khảm (cẩn). Do đó, lầu 3 còn được gọi với cái tên “tầng khảm trai”.
Bộ sưu tập dao cầu thái thuốc.