Không phải tự nhiên mà người ta có câu: Lòng người phức tạp. Để hiểu người khác, thậm chí là bản thân, là chuyện không hề dễ dàng. Do đó, muốn cuộc đời bớt chông gai, bạn phải trang bị cho mình những “mẹo sống” cần thiết, cũng giống như 12 điều dưới đây:
1. Trong giao tiếp giữa con người với nhau hằng ngày, không nên dễ dàng cho người khác mượn tiền, không chỉ vì “cho mượn thì dễ, đòi về thì khó”, mà còn là vì mọi chuyện sau khi động chạm đến vấn đề tiền bạc đều rất nhạy cảm, dễ phá hủy và làm tổn thương mối quan hệ đôi bên và cảm xúc của chính bạn.
2. Không nên “phơi bày tâm can” của mình thể hiện cho người khác biết hết. Phải “biết người biết ta”, vận dụng cách ứng xử phù hợp với đối tượng mình đang giao tiếp, nếu không, chịu thiệt chính là bạn.
3. Sống trên thế giới này không nên quá yếu đuối và dễ dãi. Đừng quá thành thật, vì một nhược điểm lớn của lòng người chính là “to gan với cái yếu, nhát gan với cái mạnh”, bạn càng mạnh mẽ thì người khác ngược lại càng tôn trọng bạn.
4. Bạn có thể giúp người, nhưng không nên quá hào phóng và ban phát sự lương thiện vô tội vạ. Đừng để đối phương xem sự giúp đỡ của bạn là chuyện đương nhiên. Mọi chuyện ở đời đều có giới hạn riêng của nó. Bạn cho đi quá nhiều lần, đối phương sẽ dần quen với sự hưởng lợi này, đến khi cho đi bỗng nhiên dừng lại, họ trách móc bạn không tốt, thậm chí còn trở mặt thành thù. Do đó, lương thiện là đúng, nhưng tốt nhất là nên đi kèm với sự thông minh.
5. Trong các mối quan hệ đời thường, mỗi người nên học cách khen ngợi. Hẳn rằng trên đời ít ai lại chê bai lời khen ngợi. Hơn nữa, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, một lời khen hơn trăm lời chê. Lời tán thưởng chân thành nhiều lúc còn trở thành động lực của một người, giúp mối quan hệ đôi bên càng bền chặt hơn.
6. Trừ phi người khác chủ động, chân thành nhờ vả, bạn mới nên trở thành “thầy” để hướng dẫn và chỉ đạo. Đa phần chúng ta không thích việc bị người khác chỉ chỉ trỏ trỏ, lên mặt yêu cầu làm đủ thứ chuyện. Cho dù bạn xuất phát từ lòng tốt thật sự, người khác cũng sẽ không nhận ra để biết ơn, mà chỉ cảm thấy bạn đang khoe khoang.
7. Hiểu được “ám thị” của người khác cũng là một kỹ năng rất quan trọng trong cách đối nhân xử thế. Ví dụ, bạn đến nhà người khác làm khách, họ chưa nấu ăn, nhưng nhiệt tình để cho bạn ở lại ăn tối, đó đa phần là lời mời nhưng lại mang ý nghĩa xua đuổi. Có nghĩa là: Cũng đã đến giờ, bạn nên đi về!
8. Trong tất cả các mối quan hệ, người thẳng thừng chê cười bạn không đáng sợ, người đâm sau lưng bạn cũng không phải là nguy hiểm nhất. Đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất, chính là kiểu người mặt ngoài chân thành đối xử với bạn, nhưng sau lưng lại đâm bạn vài vết dao đầy tổn thương.
9. Nếu không cần thiết, hãy cố gắng không bình phẩm người khác, ngay cả khi họ sai, bởi vì điều này liên quan đến một vấn đề thể diện và sự tôn trọng. Nếu cảm thấy mối quan hệ đôi bên đủ tốt, bạn có thể uyển chuyển và kín đáo để đưa ra nhận xét về đối phương, đương nhiên cũng phải giữ vững sự chừng mực trong câu từ và ý nghĩa thể hiện.
10. Không nên dùng cách hạ thấp người khác để nâng cao bản thân. Bạn có thể đạt được tâm lý thỏa mãn nhất thời, nhưng sự vinh quang này không thể tồn tại lâu dài, kết quả ngược lại còn khiến bạn thê thảm hơn. Bởi lẽ ngay từ ban đầu, bạn đã đi lên bằng con đường không đúng đắn.
11. Đối nhân xử thế, hãy duy trì tâm thái khiêm tốn, không nên quá đề cao bản thân, phải biết rằng núi cao còn có núi cao hơn. Nếu bạn quá tự cao, thậm chí là ngông cuồng, bạn dễ dàng bị hiện thực vùi dập, mặt, bị người khác chán ghét, khiến các mối quan hệ dần đổ vỡ.
12. Hành sự cần lưu lại đường lui, đây cũng là cách chúng ta tự bảo vệ mình. Cho dù đối phương có lỗi với bạn đến mấy, hãy dùng tâm thái dung dị và khoan dung nhất để giải quyết vấn đề. Tuyệt tình lắm lúc không khiến bạn cảm thấy vui vẻ, mà ngược lại càng giày vò bạn, khiến bạn chìm trong áy náy và tự trách.
theo Phụ nữ Việt Nam, theo soha