Sâm nhập lậu từ Trung Quốc giá siêu rẻ
Ở nước ta, sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu, đều nằm trong top những loại sâm tốt nhất thế giới, có giá trị kinh tế rất cao. Những loại sâm này được trồng chủ yếu ở Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu. Theo đó, sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 có giá hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu cũng lên tới hơn 120 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên thị trường nhiều người rao bán sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu với giá rẻ giật mình, chỉ vài triệu đồng 1kg. Cây giống sâm cũng có giá siêu rẻ.
Tại tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" sáng 8/9, ban tổ chức cho biết, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện sâm nhập lậu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, trà trộn rồi mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.
Sâm Trung Quốc được rao bán la liệt trên mạng xã hội (Ảnh: Văn Thế)
Hạt sâm Trung Quốc được bán tràn ngập tại thị trường Việt Nam với giá siêu rẻ
Nguy hiểm hơn, khi kiểm nghiệm sâm Trung Quốc phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gấp nhiều lần cho phép. Trong đó có cả hoạt chất BVTV đã cấm ở Việt Nam.
Theo ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục QLTT tỉnh Kon Tum), trên mạng xã hội bày bán tràn lan từ cây giống, hạt giống đến củ sâm. Thậm chí, các đầu mối rao bán sâm Ngọc Linh và Lai Châu giả mạo còn sử dụng hình ảnh lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, hình ảnh người nông dân trồng sâm... để bán hàng.
Khối lượng sâm bán trên mạng xã hội rất nhiều, mua bao nhiêu cũng có. Họ còn lợi dụng cả hình ảnh của công an Lai Châu đưa lên mạng để bán cây sâm giống, ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phúc, 1 cây giống sâm Ngọc Linh có giá 300.000 đồng nhưng trên mạng chỉ bán 100.000 đồng. Đáng nói, loại cây sâm giống từ Trung Quốc tràn sang giá chỉ 20.000-25.000 đồng/cây.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT), cho hay, 8 tháng năm nay đã có hơn 4.400 vụ việc về mặt hàng sâm được xử lý. Không chỉ sâm, củ, lực lượng QLTT còn phát hiện nhiều sản phẩm bánh, kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm mạo danh nguồn gốc sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.
Để xử lý vấn đề này đòi hỏi khâu giám định vô cùng phức tạp. Bởi, bản chất sâm Trung Quốc chuyển về có nguồn gen giống sâm Việt Nam, chỉ khác ở quy trình trồng. Bên Trung Quốc thường sử dụng thuốc, chất kích thích để sâm phát triển nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đại tá Đỗ Đình Cường, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu), chỉ rõ, các đối tượng buôn lậu sâm kết nối với các chủ buôn Trung Quốc, thống nhất về mặt giá cả, vận chuyển, bỏ sâm Trung Quốc vào thùng rồi thả trôi sông ở khu vực biên giới. Đối tượng bên Việt Nam sẽ đón nhận hàng.
"Các vụ bắt hàng thả trôi sông, khi đối tượng bị phát hiện sẽ không nhận, hàng thành vô chủ”, Đại tá Đỗ Đình Cường nói.
Hạt sâm Trung Quốc được bán tràn ngập tại thị trường Việt Nam với giá siêu rẻ (Ảnh: Văn Thế)
Quản lý bằng mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc
Ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, thừa nhận việc giám sát, ngăn chặn sâm nhập lậu gặp nhiều khó khăn, song đây là công việc cần làm.
Theo ông, có thể dựa vào các chất trong sâm để phân biệt chính xác hơn. Tuy nhiên, nếu cần phân biệt nhanh để xử lý vi phạm thì phải có phương án khác, như xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, sử dụng máy quét, phân biệt qua hình thái để nhanh chóng có kết quả.
Cùng với đó, nâng cấp các biện pháp trên và biến thành tài liệu, phổ biến cho các cơ quan, thậm chí người dân cũng có thể phân biệt được. Việc cấp mã số vùng trồng cũng là điều cấp thiết, là cơ sở để giám sát và truy xuất nguồn gốc sâm trong nước, ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Trần Đức An, Giám đốc điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, nói thêm, trên thị trường có rất nhiều sâm Ngọc Linh nên việc cấp mã số vùng trồng để quản lý là cần thiết.
Ngoài ra, người trồng cũng cần cảnh giác khi lựa chọn mua hạt sâm giống, tránh mua nhầm, gây lai tạo, mất giá trị sâm.
Theo PGS. TS Phan Kế Long, Phó Tổng giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu cho thấy, từ những năm 1990-1995, Trung Quốc đã mua nhiều bao tải sâm nước ta, tính theo tấn. Trong khi sâm Lai Châu là "anh chị em" với sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh được nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng cách đây 50 năm. Sâm Trung Quốc rất khỏe, phát triển nhanh, chúng ta nên học cách trồng này nhưng cần xác định hàm lượng, dư lượng hóa học của sâm Trung Quốc.
Tại Lai Châu, hiệp hội sâm cam kết không dùng hóa chất nên chúng ta có thể kiểm tra, nếu sản phẩm nào không có dư lượng hóa học là sâm Lai Châu, còn lại là sâm Trung Quốc.
Hiện việc đọc trình tự gen mất khoảng một tuần nhưng chưa biết được đâu là sâm Trung Quốc, đâu là sâm Việt Nam. Còn phương pháp vật lý, quan trọng nhất là xây dựng dữ liệu ở các vùng trồng, về thổ nhưỡng, quang phổ lá... để biết được sâm trồng ở đâu. Đầu tư một hệ thống như vậy tốn khoảng 700 triệu đồng, đổi lại chỉ vài phút là biết kết quả, ông Long lưu ý.
Theo Vietnamnet
Cần quản lý sâm Ngọc Linh và Lai Châu theo mã số vùng trồng để thuận lợi hơn trong việc truy xuất nguồn gốc, phát hiện sâm giả (Ảnh: Công Sáng)