Muồng truổng, còn gọi là cây Sẻn, Hoàng mộc dài (Zanthoxylum avicenniae (Lamk.) DC.), họ Cam (Rutaceae).
Muồng truổng chỉ có ở các tỉnh trung du và miền núi thấp ở Ninh Bình, Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Bộ phận dùng là quả, vỏ thân, lá và rễ. Có thể thu hái quanh năm, dùng tươi, hoặc khô. Có thể sắc uống riêng từng bộ phận của cây, hoặc phối hợp chúng với các vị thuốc khác, với liều 30-60g (rễ, vỏ thân tươi), hoặc 6 -12g khô.
Dưới đây là những bài thuốc dùng vị Muồng truổng
Trị phong thấp, đau nhức xương khớp; đau cơ, đau xương do chấn thương: Rễ muồng truổng tươi 30- 50g, nếu khô 15g. Sắc uống, ngày một thang, chia 2 lần trước bữa ăn 1h30 phút.
Hoặc vỏ thân muồng truổng, hy thiêm, phòng kỷ, mộc thông, thổ phục linh, mỗi vị 20g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.
Trị viêm gan, vàng da: rễ muồng truổng, cây ban (cây nọc sởi: Hypericum japonicum), nhân trần, bòi ngòi lớn (Hedyotis hedyotidea (DC.)Hand. Mazz.), mỗi vị 15g. Sắc uống trong ngày. Uống trước bữa ăn 1h30 phút. Khi uống thuốc, cần tránh uống rượu bia. Cần lưu ý, cây nọc sởi và cây bòi ngòi, dùng toàn cây phơi khô.
Trị đau dạ dày, đau bụng: quả muồng truổng tán bột mịn, uống với nước sôi để nguội, mỗi lần 3- 5g. Có thể phối hợp với bột cam thảo, đồng lượng.
Trị đau, nhức răng: vỏ rễ muồng truổng, rửa sạch, thái nhỏ, nhai, ngậm. Khi nhiều nước bọt thì nhổ đi. Có thể lấy vỏ rễ, ngâm vào rượu 40 độ. Sau 3-5 ngày, lấy rượu, ngậm trị đau nhức răng. Có thể phối hợp ngâm với quả xuyên tiêu.
Trị mẩn ngứa, dị ứng: lá muồng truổng tươi 30g, lá khế tươi 30g, rửa sạch, giã nát, đắp rồi lấy vải xô sạch, băng vào nơi bị bệnh. Nếu bị ngứa toàn thân, tăng lượng của 2 lá trên lên 50g, rồi giã nát, thêm nước. Dùng nước này rửa vào nơi bị mẩn ngứa, hoặc mụn lở loét.