1. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Bùm bụp gai
Bùm bụp gai, Ba bét lông, Bông bét, Cám lợn - Mallotus barbatus (Wall) Muell - Arg., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.
Mô tả: Cây nhỡ cao đến 6m; nhánh, mặt dưới lá có lông hình sao, mịn như bông, màu vàng. Lá có 7-9 gân gốc toả ra hình lọng, phiến lá chia 3 thuỳ hay không, mép có răng thưa; cuống như tròn; lá kèm 1cm. Bông dài đến 20cm; hoa đực có hơn 50 nhị; hoa cái có bầu dầy lông. Quả nang to 13 -15mm, có lông vàng vàng dày và gai nạc cao 2-3mm; hột 4mm, đen.
Ra hoa vào mùa xuân và mùa hạ.
Bộ phận dùng: Rễ, vỏ cây, lá và bột ở vỏ hạt - Cortex, Folium et Farina Tegumenti Malloti Barbati.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở trên đồi, trong rừng thưa, ngoài bãi hoang và ven đường, vùng núi cho đến 1100m, khắp nước ta. Có phân bổ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin.
Thành phần hoá học: Hạt chứa dầu.
Tính vị, tác dụng: Rễ có vị hơi đắng, chát, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, giảm đau, chỉ tả.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, rễ dùng trị viêm ruột, ỉa chảy, tiêu hoá không bình thường, viêm niệu đạo, bạch đới, sa tử cung; lá dùng trị ghẻ ngứa và ngoại thương xuất huyết. Người ta còn dùng vỏ sắc dùng trị cụm nhọt, buồn nôn, trị viêm hành tá tràng và dạ dày. Lá sắc nước dùng trị phù thũng. Lớp bột ở ngoài hạt và lông dùng trị sán xơ mít và giun.