1. Danh thắng Kẽm Trống
Là một trong những danh thắng nức tiếng ở Hà Nam và Ninh Bình. Kẽm Trống nằm giữa xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng danh thắng cấp quốc gia từ năm 1962. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hà Nam và Ninh Bình
Là một trong những danh thắng nức tiếng ở Hà Nam và Ninh Bình
2. Sông Đáy là một trong những con sông dài ở miền Bắc Việt Nam
Sông Đáy là một trong những con sông dài ở miền Bắc Việt Nam, nó là con sông chính của lưu vực sông Nhuệ - Đáy ở phía tây nam vùng châu thổ sông Hồng. Sông Đáy chảy qua các tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định với dòng sông chảy gần song song bên hữu ngạn hạ lưu sông Hồng. Trong lưu vực sông Đáy có nhiều sông khác như sông Tích, sông Nhuệ, sông Bùi, sông Bôi, sông Lạng, sông Hoàng Long, sông Sắt, sông Vạc, sông Nam Định, liên quan đến nhau nên đã được quy hoạch thủy lợi chung vào hệ thống sông Đáy.
3. Thắng cảnh núi Ngọc -Hà Nam
Núi Ngọc nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc. Từ thị xã Phủ Lý, ngược sông Đáy 7km, tới bến Đanh, đi tiếp 100m là đến núi Ngọc.
Quả núi nằm sát mặt nước sông Đáy. Núi Ngọc là một ngọn núi đá vôi trong hệ thống núi đá kéo dài từ Hòa Bình xuống hướng tây bắc đông nam qua xã Tượng Lĩnh – Khả Phong – Liên Sơn của huyện Kim Bảng. Tuy nhiên núi Ngọc nằm tách riêng, ngăn cách vệt dãy núi kia bằng con sông Đáy. Núi Ngọc không cao lắm. Ở đây cây cối mọc nhiều, cây to cây nhỏ mọc chen nhau cành lá xum xuê do dân địa phương có ý thức giữ gìn. Trên núi có một cây si cổ thụ, tương truyền có tới hàng trăm tuổi. Đứng trên ngọn núi, du khách có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ. Ngay dưới chân núi có một ngôi đền cổ thờ một ông nghè có công với dân làng. Nối giữa chùa Bà Đanh và núi Ngọc là một bãi rộng trồng cây lưu niên, chủ yếu là vải thiều, nhãn, tùy thời vụ có xen cả ngô lúa. Nằm hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, trên núi, dưới sông, gần đền, gần chùa, núi Ngọc quả là một thắng cảnh của đất Kim Bảng, một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn.
4. Núi Cấm (Hà Nam) nổi tiếng với Đền Trúc- Ngũ Động Sơn, một thắng cảnh tuyệt đẹp.
Núi Cấm (Hà Nam) nổi tiếng với Đền Trúc- Ngũ Động Sơn, một thắng cảnh tuyệt đẹp. Nơi đây còn được biết đến với một “kho báu” với những cây sưa bạc tỷ.
Núi Cấm đứng độc lập, trông xa có hình dáng giống như một con sư tử nằm, thảm thực vật ở đây phong phú. Cách đây tròn 20 năm, một người đi dạo núi đã vô tình phát hiện ra một cửa động nằm khuất sau lớp cây leo dưới chân núi Cấm. Từ đây, một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp được khai lộ, được gọi là Ngũ Động Sơn. Ngũ Động gồm 5 động liên hoàn kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào trong lòng núi Cấm. Lối vào động lên cao, nhìn ra mặt sông Đáy.
Lối ra nằm bên kia vách núi, do vậy không khí trong động rất thoáng mát. Điều gây ấn tượng là hình khối, vẻ đẹp, màu sắc và sự độc đáo của cơ man là những thạch nhũ. Có cái mọc nhô lên từ mặt đất, có cái lại mọc từ vách động, trần động rủ xuống. Màu sắc nhũ, độ bóng, độ xốp của các nhũ rất đa dạng. Những hòn đá cổ, những nhũ đá mới ẩn sâu trong bóng tối khi có ánh sáng rọi vào do hơi nước phản chiếu ngời lên long lanh như châu ngọc...
Với trí tưởng tượng phong phú, người dân địa phương đã đặt tên cho các tác phẩm thiên tạo bằng đá hết sức gần gũi, dân gian như con rùa, con voi, bầu sữa mẹ, rồi có cả chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ khi đánh lên nghe như thật. Động có thể chứa được hàng nghìn người. Cảnh trí ở đây rất đặc biệt: Lúc bình minh, ánh sáng rực rỡ rọi vào phản chiếu những sắc màu lung linh trên vách động; buổi trưa, nắng lọt qua những khe lá trước động tạo thành màu xanh nhạt và buổi chiều là màu tím huyền ảo bởi ánh hoàng hôn…
Không những thế, nếu leo lên được đỉnh núi Cấm sẽ được chiêm ngưỡng bàn cờ tiên bằng đá. Tương truyền rằng, vào những đêm trăng sáng, thần tiên thường về đây mở hội, uống rượu, chơi cờ và ngắm cảnh trần thế. Gần bàn cờ tiên là một vũng vuông lõm sâu, thường được gọi là huyệt Đế Vương…Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt xa, mới thấy hết vẻ đẹp của nơi này. Chính vì vậy đã có nhiều thi nhân như Nguyễn Thuyên, Ngô Thế Vĩnh, Hải Thượng Lão Ông Lê Hữu Trác… đã từng qua đây dừng chân chiêm ngưỡng cảnh đẹp...
Năm 2004, đền Trúc-Ngũ Động Sơn được xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia.
Biểu tượng con voi của đoàn quân Lý Thường Kiệt năm xưa
5. Danh thắng Bát cảnh sơn
Tám cảnh ở vùng núi xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) từng là nơi chúa Trịnh Sâm cho lập hành cung và được chúa ví với 8 cảnh đẹp nổi tiếng ở Tiêu Tường (Vân Nam, Trung Quốc), như: Đền Tiên Ông thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát, nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Bát cảnh sơn ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Đền Tiên Ông được xây dựng vào đời vua Trần Nhân Tông, nằm trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m giống hình con voi phủ phục. Cứ đến ngày rằm tháng 6 hàng năm, nhân dân ở đây tổ chức lễ hội rất long trọng, khách thập phương ở nhiều nơi cùng về tham dự...
Cổng vào Đền tiên ông
6. Chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh - núi Ngọc thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa cách thị xã Phủ Lý 10km, nằm ở phía hữu ngạn sông Đáy. Khu danh thắng này có diện tích khoảng 10ha, với phong cảnh trời mây sông nước hữu tình, ở xa làng xóm nên tĩnh mịch. Ngôi chùa hướng chính nam nhìn ra dòng sông Đáy nên thơ.
Tương truyền chùa có từ thế kỷ thứ 7, ban đầu nơi đây là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), đền được xây dựng lại to đẹp khang trang hơn.
Người dân thấy phong cảnh đẹp, đền linh thiêng nên chuyển ngôi đền ở vị trí thường bị ngập lụt và rước tượng Phật về phối thờ, từ đó gọi là chùa Bà Đanh. Một trong số báu vật ở đây là bức tượng Bà Chúa Đanh (thần Pháp Vũ) tư thế ngồi trên ngai, toàn bộ đặt trên một gốc cây to; nhiều di vật khác được lưu giữ mang phong cách thời Lý - Trần.
Sau khi thắp hương ở chùa, du khách đi tiếp lên đỉnh núi Ngọc, qua khu vườn cây trái xum xuê, trong đó có cây si già ngàn năm tuổi.
Với cảnh quan trời mây sông nước hữu tình, lại có chùa Bà Đanh rất linh thiêng, điểm du lịch này ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương đến lễ Phật và vãn cảnh.
Sân trước cửa chùa Bà Đanh
7. Danh thắng Đền Lãnh Giang
Đền Lãnh Giang nằm gần bờ sông Hồng thuộc xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, cạnh quốc lộ 38 đi cầu Yên Lệnh. Đền Lãnh Giang còn có tên gọi là Lãnh Giang linh từ, đền tọa lạc trong khuôn viên 3.000m2, nơi đây không có núi đồi, nhưng bạt ngàn màu xanh của cây trái.
Cửa đền nhìn ra hướng đông dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), bốn mùa mênh mang sóng nước. Kề bên đền Lãnh Giang về phía bờ sông là ngôi đền thờ Cô Bơ Thoải Phủ. Đền thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng - Duệ - Vương có công đánh Thục và thờ Tiên Dung công chúa, một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam.
Mỗi năm có 2 kỳ lễ hội vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Kỳ hội tháng 6 diễn ra từ ngày 18 đến 25, kỳ hội tháng 8 được tổ chức vào ngày 20 âm lịch. Hiện rất đông khách thập phương từ các nơi kể cả Hà Nội, Hưng Yên… đến lễ và tham quan đền Lãnh.
Nếu tuyến du lịch Sông Hồng của Hà Nội được mở rộng, đây sẽ là một trong những điểm du lịch tín ngưỡng có khả năng thu hút khách cao.
Một góc sân trong đền Lãnh Giang
8. Danh thắng Đền Trần Thương
Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân. Tương truyền nơi đây là kho lương của Nhà Trần và là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thế kỷ 13. Đền thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Đền được khởi xây vào năm 1783 với kiến trúc mang đậm nét cổ truyền dân tộc. Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày 1 đến 20 tháng 8 (âm lịch) cùng với lễ hội đền Kiếp bạc (Hải Dương), lễ hội đền Bảo Lộc (Nam Định) để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Hiện nay khu di tích đang được tiến hành quy hoạch lập dự án đầu tư xây dựng thành một điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng trên tuyến du lịch sông Hồng.
9. Làng Dệt lụa Nha Xá (Hà Nam): Dân vẫn phất lên nhờ khung cửi, con thoi
Làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) ngày nay không có nhiều tiếng cửi, tiếng con thoi đưa như xưa, đến đầu làng người ta còn nghe được cả tiếng ve kêu chào đón mùa hè giữa chốn thanh bình. Ở Nha Xá toàn nhà cao, cái nào cũng tầm cỡ 3-5 tầng, còn có cả các ngôi biệt thự cổ mang dáng dấp kiến trúc của Pháp, hoa văn, họa tiết đều rất… tuyệt mỹ. Các cụ cao nhiên trong làng bảo, “nhìn mấy cái biệt thự cổ và mấy cái nhà cao tầng là đủ biết cái làng này giàu từ bao giờ, nó đều là thành quả của khung cửi, của con thoi đưa”.
Đời sống người dân thay đổi nhờ nghề dệt
10. Làng trống Đọi Tam ở Hà Nam
Làng Ðọi Tam, xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có nghề làm trống từ rất lâu đời, tương truyền khoảng hơn 1000 năm với vị tổ nghề là Nguyễn Ðức Năng và Nguyễn Ðức Bản.
Truyền thuyết kể rằng năm 986, được tin vua Lê Ðại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em cụ Năng và cụ Bản đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm.
Nghề làm trống của Ðọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước nhưng hàng năm cứ đến ngày hội làng và ngày giỗ tổ nghề họ lại trở về quê để dự hội. Nghề làm trống Ðọi Tam là nghề cha truyền con nối. Theo quy định, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài do sợ thất truyền.
Trước kia,con trai làng Ðọi Tam khoảng 12, 13 tuổi đã được dạy làm các loại nhỏ...Ðến 16, 17 tuổi đã có thể theo cha anh đi làm trống đại. Trống sấm chỉ dành cho cánh đàn ông khoẻ mạnh, có kinh nghiệm và kĩ thuật điêu luyện. Thợ làng Ðọi Tam làm đủ các loại trống: trống dùng trong đình chùa, trống chèo, trống trường trống trung thu...
11. Làng Thêu ren Thanh Hà, Hà Nam
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Thêu ren Thanh Hà cho Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thêu ren Thanh Hà (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm), do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Nhãn hiệu tập thể Thêu ren Thanh Hà được sử dụng cho các sản phẩm thêu ren của xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm gồm: hàng thêu thùa để trang trí, trang hoàng; đường viền thêu, ren trang trí và dịch vụ mua bán sản phẩm thêu ren như: ga trải giường, chăn, gối, rèm cửa, khăn trải bàn, khăn ăn, khay các loại, ví túi thơm, khăn tay, quần áo, tranh treo tường.
Nghề thêu ren ở Thanh Hà xuất hiện cách đây hơn một thế kỷ. Đến nay, toàn xã có bốn nghệ nhân và 55 thợ giỏi được Hội đồng thẩm định, xét chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi của UBND tỉnh Hà Nam công nhận. Các sản phẩm của làng nghề rất phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã…
Việc sản phẩm thêu ren Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu tập thể góp phần khẳng định và tôn vinh danh tiếng của làng nghề truyền thống, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng, người tiêu dùng, chống lại các hành vi xâm phạm quyềnTừ nhiều năm qua, nghề thêu Thanh Hà đã được xác định là nghề phụ, cho thu nhập chính tại địa phương, giúp nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên làm giàu từ nghề thêu. Tên tuổi nghề thêu ren Thanh Hà không chỉ được biết đến tại thị trường trong nước mà đã vươn tới nhiều nước trên thế giới.
Hiện nay, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thêu ren Thanh Hà có 34 thành viên. Không chỉ các thành viên trong hiệp hội mà hiện nhiều hộ dân ở xã Thanh Hà cũng phát triển mạnh việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thêu ren.