Cây dược liệu cây Nữ lang - Valeriana hardwickii Wall

Theo Đông y Nữ Lang có Vị ngọt, cay, tính ấm; có tác dụng kích thích mạnh, lợi trung tiện, sát trùng. Ở Ấn Độ, thường được dùng thay thế loài Hiệt thảo chữa: hystéria, động kinh, chứng múa giật, chứng loạn thần kinh chấn thương thời chiến, chứng loạn thần kinh chức năng. Có tên khoa học: Valeriana hardwickii là một loài thực vật có hoa trong họ Kim ngân. Loài này được Wall. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1820.

1. Hình ảnh và mô tả cây Nữ lang - Valeriana hardwickii Wall., thuộc họ Nữ lang - Valerianaceae.

Tên Khoa học: Valeriana hardwickii Wall. in Roxb.

Tên tiếng Việt: Nữ lang; Cẩu tích.

Tên khác: Valeriana hardwickiana Roem. & Schult.;

Mô tả: Cây thảo cao 1-1,5m, có thân nhẵn, có lông ở các mắt và có khi ở gốc, có rãnh ngoằn ngoèo. Lá ở gốc biến mất trước khi ra quả; lá ở thân kép lông chim có 3-5 lá chét, dài 1-6cm, rộng 0,5-3cm, không cuống, nguyên hay có răng, thót dài ở chóp, cái tận cùng lớn hơn. Hoa trắng thành xim dạng ngù ở ngọn rất rộng. Quả bế đẹp, dài 1,8-2mm, rộng 0,8-1mm, với một mặt lồi, có 3 cạnh dạng sợi, mặt kia ráp với một cạnh nhẵn; đài đồng trưởng, có răng phát triển thành 10 tơ dạng lông; dài 4-5mm, có râu nhỏ.

Hoa và quả tháng 10-2 (3), có khi gặp hoa vào tháng 5-7.

cây Nữ lang

2. Thông tin mô tả Dược Liệu

Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Valerianae. Thân rễ dài 5cm, rộng 6-12mm, màu nâu, có vạch ngang và phủ những u lồi, dạng cung, có khi còn dính cả rễ con.

Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Inđônêxia, Trung Quốc. Cây thường mọc ở vùng núi cao, trên đá dựa suối ở Lào Cai (Sapa) và Lâm Đồng (Đà Lạt).

Thành phần hoá học: Trong thân rễ có tinh dầu; cũng có những nét giống với tinh dầu Hiệt thảo - Valeriana officinalis L. và các chế phẩm của cây này cũng có mùi thơm đặc trưng như Valerian.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, cay, tính ấm; có tác dụng kích thích mạnh, lợi trung tiện, sát trùng.

Người ta cho là có thể so sánh với loài Hiệt thảo - Valeriana offcinalis L., có tác dụng dưỡng tâm an thần, hoạt huyết thông kinh, lý khí chỉ thống.

Công dụng: Ở Ấn Độ, thường được dùng thay thế loài Hiệt thảo chữa: hystéria, động kinh, chứng múa giật, chứng loạn thần kinh chấn thương thời chiến, chứng loạn thần kinh chức năng.

Người ta cũng dùng làm hương liệu.

3. Hình mô tả cây Nữ lang - Valeriana hardwickii Wall., thuộc họ Nữ lang - Valerianaceae.

Cây Nữ lang - Valeriana hardwickii Wall  Người ta cho là có thể so sánh với loài Hiệt thảo Valeriana offcinalis L., có tác dụng dưỡng tâm an thần, hoạt huyết thông kinh, lý khí chỉ thống.

Cây Nữ lang - Valeriana hardwickii Wall

4. Theo thông tin Sách đỏ Việt Nam

NỬ LANG

Valeriana hardwickii Wall. in Roxb. 1820.

Valeriana hardwickii Wall. var. arnottiana Wight. 1846;

Valeriana hardwickii Wall. var. hoffmeisteri Klotzch in Reis. 1862;

Valeriana rosthornii Graebn. 1901.

Họ: Nữ lang Valerianaceae

Bộ: Tục đoạn Dipsacales

Đặc điểm nhận dạng:

Cỏ, thường sống 1 năm, cao 50 - 100 cm. Thân thẳng, rỗng, có gân dọc, phần sát gốc thường có ít lông thô. Lá ở gốc thường xẻ thuỳ lông chim, gồm 5 - 7 thuỳ; thuỳ đỉnh thường to hơn, dạng mác hay hình trứng, nhọn đầu, 3,5 - 7 x 1,5 - 3 cm. Các thuỳ bên nhỏ hơn. Cuống lá có gốc dạng bẹ. Lá ở phần ngọn nhỏ dần, số thuỳ lông chim ít, cuống ngắn. Toàn bộ bề mặt của lá có lông ngắn. Cụm hoa xim, dạng ngù, mọc ở ngọn và đầu cành. Lá bắc hình tam giác nhỏ. Hoa màu trắng, hình loa kèn, dài 1,5 - 2,5 mm. Nhị cực ngắn, đính ở ống tràng; vòi nhuỵ thò ra ngoài. Quả bế, nhỏ, dẹt, dài 1,8 - 2mm; mặt lồi có 3 đường gờ, mặt kia chỉ có 1. Đài tồn tại, phát triển thành 10 tua lông chim, dài 4 - 5 mm. Toàn cây khi khô có mùi hôi rất khó chịu.

Sinh học và sinh thái:

Mùa hoa tháng 6 - 7, quả tháng 7 - 10. Sau khi quả già, cây tàn lụi vào mùa đông. Hạt sẽ nảy mầm vào tháng 3 - 4 năm sau. Cây ưa ẩm, ưa sáng hay hơi chịu bóng; thường mọc rải rác hay thành đám nhỏ gồm nhiều cây, trên đất ẩm, nhiều mùn ở ven rừng núi đá vôi, nương rẫy hay ven đường đi, ở độ cao từ 1500 - 1800 m.

Phân bố:

Trong nước: Lai Châu, Lào Cai (Sapa), Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc), Quảng Nam (Trà My: Ngọc Linh), Kontum (Đắk Tô: Ngọc Linh), Lâm Đồng (Đà Lạt).

Thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Mianma, Malaixia, Inđônêxia.

Giá trị:

Cả cây dùng làm thuốc về bệnh tim, chống co thắt, an thần.

Tình trạng:

Phân bố rải rác, với số lượng quần thể ít, dễ bị tàn phá trong quá trình canh tác nương rẫy. Diện tích các điểm phân bố ước tính dưới 2000 km2.

Phân hạng: VU B1+2b,c

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (Bậc R). Không nên khai thác cây mọc tự nhiên để làm thuốc, do trữ lượng không đáng kể. Trồng dễ dàng bằng hạt, sau gần 1 năm thu hoạch. Hiện đang được nghiên cứu bảo tồn tại vườn Trại thuốc Sapa (Viện Dược liệu) và vườn Trại Trà Linh, huyện Trà My (Quảng Nam).

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 354.