1. Hình ảnh quả cây Khổ diệp
2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu cây Khổ diệp
Khổ diệp - Picrasma javanica Blume, thuộc họ Thanh thất - Simaroubaceae.
Mô tả: Cây gỗ cao tới 8-20m, gốc to 20-35cm. Vỏ ngoài màu xám nâu, trơn, nứt dọc nhẹ, thịt vỏ màu trắng, mềm, không xơ, dày 6-8mm, cành non mảnh, khi khô màu nâu đen, nhiều lỗ bì. Lá có cuống chung mảnh, mang 5-7 lá chét không lông nhẵn, dài 8-13cm, rộng 3-5cm, đầu có mũi dài, gân phụ 5-8 cặp, cuống phụ 2 - 6mm; lá kèm khá to, có dạng lá, dài đến 25mm, sớm rụng. Chuỳ hoa ở nách lá hay đỉnh cành, dài 10-25mm, Hoa nhỏ, màu trắng vàng hay hơi xanh; cánh hoa 4, cao 2mm, đồng trưởng đến 2cm; nhị 4, nhuỵ lép, hoa cái có 4 lá noãn. Quả hạch 1-4, tròn, trắng rồi đỏ.
Hoa tháng 1-4, quả tháng 9-12.
Bộ phận dùng: Vỏ - Cortex Picrasmae.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Đông Nam Á, từ Ấn độ, Mianma đến Malaixia, Inđônêxia. Ở nước ta, cây mọc ở vùng núi cao Sơn la, Lào cai, Tuyên quang, Thanh hoá, Nghệ an qua Quảng trị đến Kontum, trong những rừng kín thường xanh. Người ta thường dùng vỏ, thu hái quanh năm.
Thành phần hoá học: Có chất đắng là quassin, tương đồng với picrasmin.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính hàn, có tác dụng hạ nhiệt.
Công dụng: Được dùng trị sốt như Canh ki na.
Ghi chú: Ở Ấn độ, Trung quốc, Nhật bản còn có loài Khổ mộc - Picrasma quassioides (D. Don) Benn có cành và lá được sử dụng. Trong cây này có các thành phần hoá học Nigakilacton A-N, picrasin C-G, nigakinone, l-hydroxymethyl-b-carboline. Cành và lá có vị đắng, tính hàn, có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm, khu thấp, giải độc; dùng trị cảm mạo, sưng amygdal cấp tính, viêm ruột, lở ngứa, rắn độc cắn. Ở Ấn độ, người ta dùng gỗ đắng thay cho cây Thằn lằn – Quassia; vỏ, gỗ và rễ hạ nhiệt, và lá dùng trị ghẻ ngứa.