2. Dây gắm, Dây sót hay Dây mấu - Gnetum montanum Markgr. (G. scandens Roxb.), thuộc họ Dây gắm - Gnetaceae.
Mô tả: Dây leo mọc cao, dài đến 10-12m. Thân to, phình lên ở các đốt. Lá nguyên, mọc đối, phiến hình trái xoan, thuôn dài, mặt tròn trên nhẵn bóng. Hoa đực và hoa cái khác gốc, tập trung thành nón. Hoa đực mọc thành chuỳ; hoa cái mọc thành chùm gồm nhiều vòng, mỗi vòng khoảng 20 hoa. Quả có cuống ngắn, dài 1-5cm, rộng 12-16mm, dày 11-33mm, bóng, mặt ngoài phủ một lớp sáp, khi chín có màu vàng. Hạt to.
Cây ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 10-12.
Bộ phận dùng: Rễ và dây - Radix et Caulis Gneti.
Nơi sống và thu hái: Loài đặc hữu của Đông Đông Dương, mọc hoang ở rừng núi, leo lên rất cao. Rễ và dây thu hái quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.
Thành phần hoá học: Hạt chứa 14,2% một chất dầu cố định.
Tính vị, tác dụng: Dây gắm (Vương Tôn) có vị đắng, tính bình, có tác dụng khu phong, trừ thấp, thư cân hoạt huyết, giải độc, tiêu viêm, sát trùng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cây có vỏ cho sợi tốt, thường dùng làm dây nỏ, làm chạc hay thừng. Hạt ăn được. Rễ và thân dây gắm thường dùng làm thuốc giảm đau, chữa phong tê thấp, sản hậu mòn, giải các chất độc (Ngộ độc thức ăn, sơn ăn da, rắn cắn); cũng dùng làm thuốc chữa sốt và sốt rét. Rễ gắm còn được dùng chữa kinh nguyệt không đều. Lá gắm giã đắp chữa rắn cắn.
Liều dùng 15-20g có thể đến 30g, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Để chữa thấp khớp, người ta thường phối hợp với các vị thuốc khác ngâm rượu uống.
Ở Ấn Độ, dầu hạt dùng xoa bóp trị bệnh tê thấp, thân và rễ hạ nhiệt.
Phương thuốc Chí bảo hoàn chữa phong thấp trong Bách gia trân tàng: Rễ gắm, Vỏ chân chim, Cốt toái bổ, Hy thiêm, Ngưu tất, Thạch lựu, mỗi vị 4 lạng, Cẩu tích 8 lạng, Tỳ giải 5 lạng. Lá ké, Quán chúng, mỗi vị 2 lạng 5 đồng cân; các vị sấy khô tán bột làm viên, uống dần với rượu hay nước Gừng hoặc ngâm rượu. Cũng có thể dùng 1/10 lượng trên, sắc uống.
Hình ảnh cây Dây gắm, Dây sót hay Dây mấu - Gnetum montanum
Dược liệu Dây gắm, Dây sót hay Dây mấu - Gnetum montanum