Hình ảnh quả Roi còn xanh
2. Roi, Lý, Bồ đào, Gioi, Ðiều đỏ - Syzygium jambos (L.) Alston (Eugenia Jumbos L.) thuộc họ Sim - Myrtaceae.
Mô tả: Cây gỗ có kích thước trung bình (10-12m). Lá hình ngọn giáo, hơi thon hẹp ở gốc, thon dài và mảnh ở phía đầu, cứng, có điểm tuyến trong suốt, dài 13-20cm, rộng 3-5cm; cuống lá ngắn. Hoa trắng hay xanh xanh, to, thành chùm ít hoa ở ngọn. Quả mọng gần hình cầu; đường kính 30cm, trong đài hoa tồn tại, nạc, xốp, ít nước, ngọt, thơm. Hạt 1-2, xám.
Hoa tháng 2-5; quả tháng 6-8.
Bộ phận dùng: Quả, lá - Fructus et Folium Syzigii. Vỏ rễ, hạt, vỏ quả cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Cây của phân vùng Ấn Độ - Malaixia, cho tới Inđônêxia. Cũng được trồng ở nhiều xứ nhiệt đới. Ở nước ta, thường thấy mọc ở những nơi ẩm, ven suối, từ Hà Tây, Hà Bắc, Nam Hà, Ninh Bình, Sơn La,
Nghệ An, Hà Tĩnh cho tới các tỉnh phía Nam.
Thành phần hóa học: Trong 100g phần ăn được của quả có: nước 84,80g, protein 0,5-0,8g, chất béo 0,2-0,3g, carbohydrat 9,7-14,2g, xơ 1-2g, tro 0,3-0,4g, caroten 123-235IU, vitamin B complex 0,55-1,04mg và vitamin C 3-37mg. Nạc quả chứa hàm lượng pectin cao. Trong quả còn có các acid amin tự do. Tinh dầu chiết xuất từ lá chứa 27% dl a-pinen và 24% l-limonen, 2 monoterpen có vòng. Các bộ phận khác của cây, như hạt, lá, thân, rễ và vỏ đều có độc, do có alcaloid jambosin và acid hydrocyanic. Lá và vỏ còn chứa tanin, một oleorsin và một lượng nhỏ alcaloid.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, chát, tính bình. Vỏ rễ có tác dụng lương huyết, tiêu thũng, sát trùng, thu liễm. Chất chiết từ lá cây có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh; đặc biệt là các loại liên cầu khuẩn, với vi khuẩn bạch hầu và vi khuẩn phế cầu. Như vậy lá Roi dùng tốt, chữa bệnh chống lại vi khuẩn sinh mủ và gây bệnh đường hô hấp.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả có dạng quả táo, màu trắng vàng, có nhuốm hồng nhiều hay ít, có nạc trắng, ít ngọt, mùi thơm của hoa hồng. Có thể nấu chín với đường dùng ăn tốt. Quả và lá được dùng làm thuốc trị ỉa chảy, đau mắt. Lá cũng được dùng làm thuốc trị bệnh đường hô hấp.
Ở Inđônêxia, lá cũng được dùng trị ỉa chảy, lỵ và sốt.
Ở Campuchia, nước ngâm lá dùng uống làm thuốc trị sốt; lá giã ra và xát vào người trong trường hợp bị bệnh đậu mùa, có tác dụng làm mát.
Ở Ấn Độ, lá nấu lên dùng chữa đau mắt; quả dùng chữa đau gan.
Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng vỏ rễ để trị lỵ, ỉa chảy, dao chém xuất huyết; hạt được dùng trị bệnh đái đường; chứng khô (can táo); vỏ quả dùng trị nấc nghẹn.
Hình ảnh hoa cây Roi
Hình ảnh quả Roi chín