1. Cây Tiểu hồi, Tiểu hồi hương - Foeniculum vulgare Mill., thuộc họ Hoa tán - Apiaceae.
Tiểu hồi hương còn gọi là tiểu hồi, hồi hương (tên khoa học: Foeniculum vulgare) là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa tán. Loài này được Mill. mô tả khoa học đầu tiên năm 1768.
Hình ảnh cây Tiểu hồi hương
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Tiểu hồi
Mô tả: Cây thảo sống 2 năm hay nhiều năm cao 0,6-2m; rễ cứng, thân nhẵn, màu lục lờ, hơi có khía. Lá mọc so le, có bẹ phát triển; phiến lá xẻ lông chim 3-4 lần thành dải hình sợi. Cụm hoa hình tán kép mọc ở nách lá và ngọn cành; các tán hoa mang nhiều hoa nhỏ màu vàng lục. Quả nhỏ hình trứng thuôn, lúc đầu màu xanh lam, sau màu xanh nâu.
Hoa tháng 6-7; quả tháng 10.
Bộ phận dùng: Quả - Frutus Foeniculi, ta hay gọi là Tiểu hồi hương. Rễ, lá cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở vùng Địa Trung Hải. Thứ Tiểu hồi dịu (var. dulce) được trồng nhiều ở Italia và Pháp. Thứ Tiểu hồi đắng (var. piperita) được trồng nhiều ở Trung và Đông Âu, Nhật Bản, Ấn Độ. Ta nhập trồng và cây mọc tốt. Thường trồng bằng gieo hạt, trên luống cách nhau 15cm. Đến năm sau nhổ ra trồng thành hàng cách nhau 60cm. Ta thu hoạch quả chín trên những tán hoa trung bình chín trước tiên; người ta cắt khi chúng ngả màu nâu và để cho chín dần trong một nơi thoáng khí. Khi các tán còn lại ngả màu nâu, người ta thu hái toàn bộ, cột lại thành bó. Sau đó mới đập ra để lấy quả.
Thành phần hóa học: Quả chứa một lượng quan trọng tinh dầu (2-6%). Tinh dầu chứa 50-60% anethol, estragol, các carbur terpen, còn có một ceton terpen là fenchon. Còn có các vitamin (A, B8, B9, C) và các nguyên tố C, Ca, P, K, S, Fe. Rễ chứa 0,3% chất béo.
Tính vị, tác dụng: Hạt có vị cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng tán hàn chỉ thống, lý khí hoà vị. Thường sử dụng như thuốc bổ chung, kích thích giúp tiêu hoá, lợi tiểu, lợi sữa, điều kinh, làm long đờm, chống co thắt, nhuận tràng, trừ giun. Lá có tác dụng trị thương. Rễ lợi tiểu, làm ăn ngon, lợi trung tiện và điều kinh.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Tiểu hồi đã được sử dụng từ lâu đời. Người La mã đã dùng quả có tinh dầu thơm làm thuốc kích thích. Người Hy Lạp, người Ả Rập rồi nhiều nước khác đều có trồng.
Có một thứ Tiểu hồi dịu có cuống lá rộng, dày và nạc tạo nên những phần lồi dạng u ở gốc cây mà người ta dùng ăn như rau.
Người ta dùng hạt chữa đau bụng do lạnh, đầy bụng, nôn mửa, ăn uống không tiêu, đau bụng do thận suy, giảm niệu và sỏi niệu, thống phong, kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, đau ngực, cảm cúm, ho gà, đầy hơi, thiếu sữa, ký sinh trùng đường ruột và sốt rét cơn. Ngày dùng 4-8g, dạng thuốc sắc hay bột.
Rễ dùng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa giảm niệu, sỏi niệu, viêm đường tiết niệu, thống phong, thống kinh. Ngày dùng 15-20g dạng thuốc chè hay sắc.
Hạt dùng ngoài làm thuốc hãm để rửa mắt sưng; lá giã đắp chữa căng vú, bầm máu, u bướu. Người ta cũng thường dùng dầu tiểu hồi, mỗi lần 1-5 giọt, ngày 2-3 lần.
Đơn thuốc:
1. Chữa đau bụng do thận suy: Bột Tiểu hồi 4g cho vào bầu dục lợn nướng chín, ăn ngày 1 cái, liên tục trong 7 ngày (Dược liệu Việt Nam).
2. Chữa dịch sốt rét ác tính: hạt Tiểu hồi hương giã tươi vắt lấy nước cốt uống, hay tán bột hoặc sắc uống (Hành giản trân nhu).
3. Chữa đau xóc dưới sườn: Tiểu hồi sao vàng 40g, Chỉ xác sao 20g tán bột uống mỗi lần 8g với rượu hoà thêm muối, ngày uống 2 lần (Nam dược thần hiệu).
Ghi chú: Người âm hư hoả vượng không dùng được.
3. Dược Liệu Quả tiểu hồi để làm thuốc
4. Tham khảo thêm: Dưới đây là vài cách tiêu biểu sử dụng tiểu hồi hương trong trị bệnh theo BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI
* Trị gan yếu, thiếu máu vàng da: Sa sâm 12g, Khương hoàng 12g, Tiểu hồi hương 4g, Nhục quế 4g, sắc uống chia 3 lần.
* Trị sán khí thống (đau dịch hoàn): Dùng “Hồi hương ô dược thang” – Tân biên Trung Y kinh nghiệm. Có công hiệu thông khí, giảm đau, tiêu hạch, trừ thấp gồm Hồi hương (sao) 6g, Lệ chi hạch 2g, Mộc hương 2g, Mộc qua 8g, Ngô thù du 3,2g, Phá cố chỉ 6g, Sa nhân 2g, Tỳ giải 20g, sắc với rượu uống ấm.
* Trị đau dưới sườn: Tiểu hồi sao vàng 40g, Chỉ xác sao 20g, tán bột mỗi lần uống 8g chiêu với rượu hòa thêm muối, ngày 2 lần (theo Nam dược thần hiệu).
* Trị bạch trọc, tiểu ra dưỡng chấp do phong hàn (theo Tiểu hồi hương – Y lâm cải thác): Tiểu hồi hương 30g, tán bột cho vào 250ml rượu đun sôi trong 15 phút, lọc bỏ bã uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml
* Trị tỳ vị hư, ngũ canh tiết tả (đi cầu vào gần sáng): Hồ lô ba 40g, Bạch long cốt 40g, Dương yêu tử 3 cái, Hồ đào 21 trái, Tiểu hồi hương 40g, Mộc hương 60g, Phá cố chỉ 40g. Tất cả tán bột trộn với rượu chưng làm hoàn. Ngày uống 8 – 12g, chiêu với rượu hâm nóng lúc đói. (Tiểu hồi hương hoàn – Bí truyền chứng trị yếu quyết loại bài).
* Bổ thận, tráng dương: Tiểu hồi hương 8g, cật dê hai quả, đậu đen 100g, đỗ trọng 15g, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Cật dê rửa sạch, xắt từng miếng nhỏ. Tiểu hồi hương, đậu đen, đỗ trọng rửa sạch, để ráo, cho vào túi vải gạc. Cho tất cả vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ, nấu từ 30 - 60 phút, thêm gia vị cho vừa ăn. Phương thuốc này rất tốt cho những người dương hư, đau lưng, chân gối mỏi, sinh hoạt tình dục yếu.
* Trà tiểu hồi (công dụng ôn trung trừ hàn, hành khí chỉ thống, dùng làm đồ uống thích hợp trong những ngày rét): Gồm Tiểu hồi hương 10g, đường đỏ lượng vừa đủ. Tiểu hồi hương rửa sạch, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, khi dùng chế thêm đường đỏ với lượng thích hợp, uống thay trà trong ngày.
* Chữa chậm kinh (biểu hiện chậm kinh, lượng máu kinh ít, sắc đỏ nhạt, bụng dưới đau âm ỉ, lưng mỏi, đại tiện lỏng,…): Tiểu hồi hương 6g, hoàng kỳ 30g, đương quy 15g, kỷ tử 15g, ngải diệp 10g, gừng nướng 6g, quế chi 10g, xuyên khung 8g, bạch thược 10g, thục địa 10g, ngưu tất 10g, ba kích 12g, nước 1000ml, sắc còn 600ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Hằng tháng, sau khi sạch kinh. Uống liên tục 10 – 15 ngày.
* Chữa đau bụng do suy thận: Bột tiểu hồi 4g, bầu dục lợn 1 cái. Cách làm: Bầu dục lợn rửa sạch, khía nhỏ, cho bột tiểu hồi hương vào, nướng chín, ngày ăn 1 lần, ăn liên tục trong 7 ngày.