1. Cẩu tích- vị thuốc bổ can thận, chống thoái hóa xương khớp
Theo y học cổ truyền, trong con người thận là nguồn gốc và căn bản của sự sống. Toàn bộ năng lượng của cuộc sống đều do thận cung cấp và duy trì. Thận và can có quan hệ mẹ (thận) con (can) nên những thuốc bổ thận (mẹ) sẽ đồng thời bổ can (dưỡng con).
Thoái hóa xương khớp và loãng xương là do sự thay đổi nội tiết, suy giảm của các cơ quan chức năng, khả năng giảm hấp thu canxi, giảm khả năng tái tạo sụn… Xương bị thiếu hụt canxi, bị vô cơ hóa do mất acid amin và trở thành bệnh lý. Khi đó, cơ thể phải trải qua những cơn đau kéo dài, khả năng miễn dịch bị suy giảm, những trở ngại trong sinh hoạt và hoạt động công việc nảy sinh.
Các vị thuốc bổ can thận đóng một vai trò quan trọng trong thành phần cấu tạo của thuốc chữa thoái hóa xương khớp. Theo lý luận của y học cổ truyền, thận chủ xương, can chủ cân (gân). Do đó, thuốc bổ can thận có tác dụng mạnh gân cốt tức khỏe cốt cường gân. Nó giúp cơ thể khỏe mạnh, cường tráng.
Vị thuốc cẩu tích có tác dụng giúp tăng hấp thu canxi, phốt pho, các chất vi lượng, chống còi xương, trừ phong thấp, giảm đau, lợi tiểu. Bên cạnh đó còn có khả năng kháng khuẩn, chống viêm. Vì vậy, nó cũng tác dụng giảm viêm đau xương khớp do nhiều nguyên nhân.
Cẩu tích còn là vị thuốc nam sử dụng trong dân gian. Cây được dùng nhiều trong y học cổ truyền làm thuốc bổ can thận. Cẩu tích còn có tên khác là kim mao cẩu tích, lông cu ly, cây lông khỉ, cù liền, cù lần. Cẩu tích là loài quyết thực vật mọc hoang ở khắp nơi. Thu hái quanh năm, tốt nhất là cuối thu sang đông; cắt bỏ cuống lá và rễ con, cạo lông phủ xung quanh, thái mỏng, phơi khô.
Tên khoa học: Cibotium.
2. Mô tả cây thuốc
Cẩu tích nghĩa là xung quanh cây bao phủ một lớp lông màu vàng rất giống như lông con chó (cẩu nghĩa là chó). Cẩu tích là một loài quyết thực vật, cây thấp (nhưng cũng có khi cao tới 2m), mọc ở tầng dưới cùng của các thảm thực vật.Bên ngoài cây bao phủ một lớp lông màu vàng, nếu nhìn không kỹ rất dễ nhầm tưởng đó là một con vật.
Khu vực phân bố: cây mọc rải rác khắp các vùng miền núi nước ta, nhiều nhất vẫn là miền núi vùng Tây Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa...
Bộ phận dùng: Gốc cây và phần lông vàng bao phủ xung quanh.
Cách chế biến và thu hái
- Cây được thu hái quanh năm, người dân thường chặt bỏ toàn bộ cành, đào lấy toàn bộ phần bẹ và những vùng có lông vàng của cây bao phủ.
- Cây đào từ rừng về đem rửa sạch, cắt bỏ phần rễ (chỉ lấy phần củ và lông vàng) đem thái miếng phơi khô để làm thuốc.
Thành phần hóa học: Thân rễ cẩu tích chứa tinh bột (30%) và aspidinol, lông vàng ở thân rễ có tanin và sắc tố.
Tính vị, quy kinh: Cây có vị đắng, tính ôn đi vào hai kinh can và thận (vì vậy cây thường được dùng trong các phương thuốc để bồi bổ can thận).
Tác dụng của cẩu tích:
- Tác dụng bổ thận.
- Điều trị chứng phong tê thấp.
- Tác dụng cầm máu (với tên gọi lông cu li): khi bị chảy máu chỉ cần lấy một ít lông này đắp vào vết thương là cầm được máu ngay. Tác dụng này có được là do lông cu li hút huyết thanh của máu, hình thành máu cục bởi vậy làm cho máu chóng đông.
- Tác dụng mạnh gân xương nhất là ở người cao tuổi.
Cách dùng, liều dùng
Bổ thận khỏe lưng: trường hợp gan và thận suy nhược, lưng đau buốt, đái vặt không nín được, phụ nữ đới hạ (viêm nhiễm bộ phận sinh dục) dùng cẩu tích 16g, ngưu tất 12g, thỏ ty tử 12g, sơn thù du 12g, đỗ trọng 12g, thục địa 16g, cao ban long 12g. Cao ban long để riêng; sắc các vị khác lấy nước, hòa cao ban long vào để uống.
Chữa phong thấp, chân tay tê bại không muốn cử động: cẩu tích 20g, tùng tiết 4g, đỗ trọng 8g, mộc qua 12g, tục đoạn 8g, tần giao 12g, tang chi 8g, ngưu tất 8g, quế chi 4g. Sắc 2 - 3 lần và cô đặc lấy 200 - 250ml, chia uống 2 lần trong ngày.
Chữa thận hư, đau lưng, đau mỏi, đi tiểu luôn luôn, bạch đới, di tinh: cẩu tích 15g, thục địa 12g, đỗ trọng 10g, dây tơ hồng 8g, kim anh tử 8g. Sắc uống trong ngày.
Chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, chân tay yếu mỏi hoặc bại liệt co quắp: cẩu tích 15g, tục đoạn 12g, bổ cốt toái 12g, bạch chỉ 4g, đương quy 10g, xuyên khung 4g.
Bài thuốc ngâm rượu có vị cẩu tích: Rắn 1 bộ (gồm 1 con hổ mang, 1 cạp nong, 1 rắn ráo), thiên niên kiện 100g, cẩu tích 100g, huyết giác100g, ngũ gia bì 100g, hà thủ ô đỏ 100g, kê huyết đằng 200g, trần bì 30g, tiêu hồi 20g, rượu trắng loại 40 độ 10 lít. Ngâm trong thời gian 3 tháng là dùng được.Người lớn trên 30 tuổi mới dùng được, mỗi ngày uống 1 ly nhỏ 30ml trước khi đi ngủ (sẽ giúp tăng cường sức khỏe, mạnh gân xương, điều trị các bệnh về xương khớp, thần kinh tọa). Lưu ý: phụ nữ có thai không dùng được bài rượu này.
Trị lưng đau, gối mỏi thuộc thận âm hư: cẩu tích, thỏ ty tử, đương quy, phục linh, lượng bằng nhau. Nghiền thành bột, luyện mật ong thành viên 9g.Ngày uống 3 lần.Mỗi lần 1 - 2 viên uống với nước sôi.
Đau mỏi thắt lưng tiểu tiện luôn, phụ nữ đới hạ: cẩu tích 16g, ngưu tất, thỏ ty tử, sơn thù du, lộc giao(chưng), đỗ trọng mỗi thứ 12g, thục địa 16g. Sắc uống.
Lưng gối mỏi do thận can hư: cẩu tích 10g, sa uyển tử 12 - 15g, đỗ trọng 10 - 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kiêng kỵ: Người thận hư do nhiệt, nước tiểu vàng không nên dùng vị thuốc này.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Theo: https://suckhoedoisong.vn/cau-tich-vi-thuoc-bo-can-than-chong-thoai-hoa-xuong-khop-n167490.html