1. Cây Gối hạc, Ðơn gối hạc, Củ rối, cây mũn - Leea rubra Blunne, thuộc họ Gối hạc - Leeaceae.
Tại nước ta thường thấy sinh trưởng ở những chỗ râm mát, trên các khe đồi, hoặc gần suối trong rừng, chịu được ánh nắng, dễ trồng và trồng được bằng cành. Cây gối hạc xuất hiện rộng khắp trong những cánh rừng từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, cây mọc dọc đường đi trong rừng khu vực núi đá Hoà Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh qua các tỉnh miền Trung đến tận Kiên Giang (đảo Phú Quốc), tiêu biểu nhất là vùng Thái Nguyên, Di Linh (Lâm Đồng), An Giang
Ngoài cây gối hạc, người ta còn sử dùng cây Leea sambuciana, cây này cũng giống cây trên, nhưng lá kép sẻ lông chim hai lần, cụm hoa lớn, hoa trắng vàng, nhỏ bé, quả đen, lá khô đen ở mặt trên cùng một công dụng với gối hạc.
Cây gối hạc
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược Liệu Gối hạc
Mô tả: Cây nhỏ, thường cao khoảng 1-2m, có khi hơn. Thân có rãnh dọc và phình lên ở các mấu. Rễ có vỏ ngoài màu hồng, lõi có màu hồng, trắng hay vàng. Lá kép lông chim 3 lần, các lá phía trên kép lông chim 2 lần, mọc so le; các lá chét khía răng to. Hoa nhỏ, màu hồng, mọc thành ngù ở ngọn cành. Quả chín có màu đen.
Mùa hoa quả tháng 5-10
Bộ phận dùng: Rễ - Radix Leeae Rubrae.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang ở chỗ râm mát trên các đồi ven rừng, chân núi. Cũng được trồng bằng giâm cành. Người ta thu hái rễ vào mùa hè thu. Ðào về, rửa sạch, thái lát, phơi hay sấy khô.
Tính vị, tác dụng: Rễ Gối hạc có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu sưng, thông huyết. Do có tác dụng này như vị Xích thược nên người ta gọi là Nam xích thược.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được sử dụng dùng chữa sưng tấy, đơn bắp chuối hay phong thấp sưng đầu gối và chữa đau bụng, rong kinh. Hạt thường được dùng trị giun đũa, giun kim và sán xơ mít. Liều dùng 15-20g rễ, dùng riêng sắc uống hoặc ngâm rượu uống. Phụ nữ khi sinh đẻ thường lấy rễ Gối hạc sắc uống cho khoẻ người, ăn uống ngon miệng, đỡ đau mình mẩy.
Ðơn thuốc: Chữa sưng tấy, đau bắp chuối hay phong thấp sưng đầu gối: Rễ Gối hạc 40-50g sắc uống. Hoặc phối hợp với các vị thuốc khác: Rễ Gối hạc 30g, Cỏ xước hay Ngưu tất, Rễ gấc, Tỳ giải, mỗi vị 15g, cũng sắc uống.
3. Tham khảo thêm bài thuốc: Một số bài thuốc thường được sử dụng trong y dược cổ truyền từ cây gối hạc.
Giảm thiểu chứng tê thấp, đau nhức, gân xương.
- Rễ gối hạc 12g, Cốt khí củ 12g, Cỏ xước 8g, Hy thiêm 8g, Binh lang 4g, Uy linh tiên 4g. Những vị thuốc trên thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ, rồi sắc với 400ml nước. Uống làm 2 lần trong ngày.
- Gối hạc16g, Lá đơn lá đỏ 12g, Đơn tướng quân 12g, Lá bạc thau 12g, Dây kim ngân 10g, Ké đầu ngựa 16g, Lá thông 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần trước bữa ăn.
- Rễ và thân cây gối hạc 20g. Toàn cây bìm bịp 30g, Cây trâu cổ 20g, Chùm gởi cây dâu tằm 20g. Những vị thuốc trên sắc với 1.200ml nước, khi còn 300ml thì chia làm 3 lần, uống sau bữa ăn.
- Gối hạc 12g, Cỏ xước 12g, Cốt khí củ 12g, Hy thiêm 12g, Rễ gấc 12g. Sắc uống ngày 1 thang.