Nước chè
Trong chè có tanin, cafein, tinh dầu, các vitamin, protid, các chất khoáng và sắc tố. Cà phê chứa lipid, protid, chất khoáng và cafein.
Chè và cà phê đều chứa cafein nên có tác dụng kích thích hưng phấn hệ thần kinh trung ương, hoạt động tim mạch, chức năng thận và ống tiêu hóa. Chè khô có chứa 2,5-4% cafein còn trong cà phê lượng cafein là 0,6-2,4%.
So với chè, lượng cafein chứa trong cà phê thấp hơn, nhưng cà phê tác dụng mạnh hơn chè vì chúng ta thường dùng tới 10-15g cà phê để pha 1 cốc, còn chè thì dùng ít hơn nhiều.
Cafe
Theo Viện Dinh dưỡng, khi chúng ta dùng nhiều cà phê và nước chè đặc thì không có lợi cho sức khỏe. Hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và thận luôn luôn bị kích thích ở trạng thái hưng phấn. Đặc biệt đối với những người bị bệnh tim, tăng huyết áp không nên dùng cà phê và nước chè đặc.
Đồng thời, nên dùng cà phê và nước chè vào buổi sáng, không nên dùng trước khi đi ngủ. Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, chất tanin trong cà phê và trà ức chế hấp thu sắt. Vì thế, uống nước trà ngay sau khi ăn sẽ làm giảm sự hấp thụ chất sắt từ thức ăn, không uống sắt cùng với chè, cà phê.
Những đồ như trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu, nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận do vậy cần hạn chế.
Theo Bệnh viện Mayo, người lớn không nên uống quá 400mg cafein/ngày tương đương với khoảng 4 cốc cà phê. Sử dụng quá nhiều cafein có thể gây lo âu và kích thích. Về lâu dài, bạn có thể bị phụ thuộc vào cafein để duy trì sự tỉnh táo.
Nam Phương / Theo dantri.com.vn