1. Cây Củ đậu, Củ sắn - Pachyrrhizus erosus (L.), thuộc họ Đậu - Fabaceae.
Củ đậu
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược Liệu củ đậu
Mô tả: Cây thảo có thân cuốn, có rễ nạc dạng con quay. Lá kép có 3 lá chét hình thoi, mỏng, nhẵn, có mũi nhọn ngắn, các lá chét không cân. Hoa màu mận hay tím nhạt, xếp thành chùm dài ở nách. Quả dài, hơi có lông, không cuống, có nhiều rãnh ngang sâu ngăn ra nhiều ô. Hạt 4-9, dạng lăng kính, màu hung.
Ra hoa vào tháng 4-5; có quả tháng 11-12.
Bộ phận dùng: Củ, hạt và lá - Radix, Semen et Folium Pachyrrhizi Erosi.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mỹ châu nhiệt đới, được trồng khắp Viễn đông để lấy củ ăn sống hay xào nấu làm rau ăn. Trồng bằng hạt; thời gian từ lúc hạt nẩy mầm đến khi thu hoạch củ là 110-120 ngày.
Thành phần hoá học: Củ đậu chứa 1% protid, 6% glucid, 6mg% vitamin C. Lá chứa pachyrrhizid. Hạt chứa rotenon và pachyrrhizid, pachyrrihizon, eroson và 2 saponin trong hạt đều là những chất độc.
Tính vị, tác dụng: Củ đậu có vị ngọt nhạt, tính mát, ăn sống thì giải khát, nấu ăn thì bổ ích tràng vị. Hạt rất độc, lá cũng có độc đối với động vật.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Củ đậu dùng xào với thịt, tôm, tép, nấu thay rau ăn ngon miệng. Người ta còn dùng Củ đậu kho với thịt, hầm thịt, làm nộm, làm nhân bánh đa nem, lẫn với thịt nạc băm, thịt cua biển, thịt tôm tươi và mộc nhĩ, bún tàu làm nhân bánh xèo.
Phụ nữ thường dùng Củ đậu tươi thái lát, xoa hoặc ép lấy nước để bôi mặt cho mịn da, khỏi nứt nẻ.
Củ đậu khô có thể tán bột dùng làm phấn bôi mặt, xoa rôm sảy.
Hạt cây Củ đậu chỉ dùng giã nhỏ nấu với dầu vừng để nguội bôi chữa ghẻ. Có thể phối hợp với quả Bồ hòn và hạt Máu chó.
Lá cây chỉ dùng chữa bệnh ngoài da chứ không được uống trong.
Ở Ấn Độ, người ta dùng hạt giã nhỏ cho vào nước để duốc cá.
Hạt tán bột đắp trị bệnh ngoài da cũng như chứng nổi rôm; có khi chúng được dùng như thuốc nhuận tràng và trị giun.