Theo Beef Central, một công ty xuất khẩu thịt bò khổng lồ Brazil đã ngừng xuất khẩu thịt bò của mình sang Trung Quốc, sau khi xác nhận hai trường hợp “bò điên” vào cuối tuần qua. Bộ Nông nghiệp Brazil sau đó đã công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu và lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực ngay lập tức trong sáng cùng ngày. Hiện vẫn chưa rõ khi nào xuất khẩu thịt bò của Brazil sang Trung Quốc có thể tiếp tục lại. Phía Bộ Nông nghiệp Brazil cũng cho rằng, 2 trường hợp “bò điên” nói trên là không điển hình vì căn bệnh này xuất hiện một cách tự phát và không thường xuyên, không liên quan đến việc ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm.
Đây không phải là lần đầu tiên sự cố “bò điên” bị phát hiện tại Brazil. Năm 2019, Brazil phải ngừng xuất khẩu những lô thịt bò sang Trung Quốc sau khi phát hiện có trường hợp “bò điên không điển hình” và việc bán hàng cho Trung Quốc đã bị đình chỉ trong 13 ngày.
14.000 con bò sống từ Brazil sẽ nhập về Việt Nam tuần cuối tháng 9 này. Ảnh: Beef Central
Cũng trên tờ Beef Central, một bài báo khác tiết lộ có 14.000 con bò đang trên đường về Việt Nam qua đường nhập khẩu bò sống. Số bò này được chở trên tàu MV Nada, rời cảng Vila Do Conde và dự kiến sẽ cập cảng Thị Vải của Việt Nam vào cuối tháng 9 này. Đáng chú ý, Beef Central khẳng định thỏa thuận xuất khẩu được cho là có sự hợp tác giữa một doanh nghiệp và một nhà nhập khẩu gia súc hiện tại của Úc. Tuy nhiên, Beef Central không tiết lộ danh tính đơn vị nhập khẩu này.
Trong nhiều năm qua, Brazil đã nỗ lực trao đổi thương mại để có thể xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam. Song khoảng cách đường biển giữa hai nước khá dài chính là yếu tố cản trở sự phát triển của thương mại. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, bò nhập từ Brazil sẽ phải đối diện sự cạnh tranh gay gắt từ bò nhập Australia bởi bò Australia được hưởng thuế suất ưu đãi bằng 0 %, trong khi đó bò Brazil phải chịu thuế nhập khẩu 5%.
Mặc dù vậy, việc giá bò Australia tăng kỷ lục do các nhà xuất khẩu phải tuân theo hệ thống quy tắc đảm bảo phúc lợi động vật của Chính phủ Australia (ESCAS) đang làm giảm sức cạnh tranh của bò Australia và tạo điều kiện thuận lợi cho bò Brazil tiến sâu vào thị trường Việt Nam.
Trang Beef Central cho biết chuyến hàng sẽ đến Việt Nam vào giai đoạn cao điểm chống dịch. Khoảng vài tháng trở lại đây, biến thể Delta diễn biến phức tạp khiến tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh, trung bình khoảng 10.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày. Việt Nam đang thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh để ngăn chặn sự gia tăng của COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng, ngành công nghiệp thực phẩm và khiến nhu cầu nhập khẩu thịt bò tăng cao.
Vì vậy, việc doanh nghiệp nhập khẩu 14.000 con bò sống từ Brazil về Việt Nam nhận được sự quan tâm của dư luận.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho biết nguyên nhân gây ra bệnh bò điên chính là khẩu phần ăn và truyền nhiễm. Theo ông Thuỷ, bệnh bò điên tại Brazil rơi vào thời gian các hộ, chủ trang trại muốn đẩy nhanh quá trình tăng trọng của bò (đối với bò thịt và bò sữa, bò giống). Khẩu phần ăn không hài hoà có thể kích thích yếu tố này, giảm yếu tố kia làm giảm tự miễn. Cộng với thời tiết, hai yếu tố này có thể gây ra tình trạng bò điên. Thứ hai, về truyền nhiễm, một con bò bị bệnh khi nhỏ dãi và ăn chung với các con bò khác, có thể truyền bệnh cho cả đàn. “Cần quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu bò sống vì liên quan đến dịch bệnh. Đặc biệt, hiện tại, ngành bò sữa và bò thịt của chúng ta đang trong thời kỳ tăng trưởng, lấy lại uy tín”, chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ khẳng định.
Việc nhập khẩu 14.000 con bò sống từ Brazil khiến các chuyên gia lo ngại sẽ làm lây lan dịch bệnh. Ảnh: Beef Central
Chuyên gia chăn nuôi, GS Võ Văn Sự, Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, bệnh bò điên vẫn có thể lây sang người. Với lô bò sống từ Brazil đang vận chuyển về Việt Nam, sau khi đã có thông tin có 2 trường hợp dương tính với bệnh bò điên, tất nhiên lô hàng đó phải được lấy mẫu xét nghiệm kỹ. Ông nói, tỷ lệ lấy mẫu sẽ cao hơn theo tỷ lệ được quy định thông thường cho một lô hàng gia súc sống. Dù có thể có “yếu tố rủi ro không đáng kể” với bệnh này vừa tái xuất hiện tại Brazil, song theo chuyên gia, cần quản lý việc nhập khẩu gia súc sống vì liên quan đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh quá lớn. Giả sử trong 14.000 con bò nhập khẩu kia, nếu xét nghiệm có trường hợp bị “bò điên”, không loại trừ phương án tiêu hủy toàn bộ hoặc một phần nào đó. Xét về lý thuyết về bệnh truyền nhiễm, chỉ cần một con bò bị nhiễm bệnh, khi ăn, nhỏ dãi vào thức ăn chung với những con bò khác, nguy cơ lây nhiễm cho cả đàn là rất lớn.
Thông tin về doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 14.000 con bò trong bối cảnh dịch "bò điên" tại Brazil dấy lên nhiều lo ngại về sự lây nhiễm. Đặc biệt, hiện tại, ngành bò sữa và bò thịt của chúng ta đang trong thời kỳ tăng trưởng, lấy lại uy tín tại các thị trường quốc tế quan trọng.
Theo https://vietq.vn/viet-nam-van-nhap-khau-14000-con-bo-dien-tu-brazil-d190961.html