Vào khoảng những năm 1940, ĐH Harvard (Mỹ) đã tiến hành một công trình nghiên cứu dựa trên việc thu thập dữ liệu về cuộc sống của hơn 700 đàn ông. Họ có môi trường sống và quá trình trưởng thành khác nhau. Nhóm đầu tiên gồm 268 sinh viên thứ hai của ĐH Harvard. Nhóm thứ hai là 456 người sinh ra và lớn lên ở khu ổ chuột ở phía đông thành phố Boston.
Những người này sẽ cung cấp thông tin về công việc, cuộc sống gia đình và sức khỏe tổng thể của họ thông qua các mẫu máu, quét não... suốt hơn 70 năm qua.
Hơn 700 người này hầu hết đều trải qua chiến tranh thế giới 2, suy thoái kinh tế tại Mỹ. Có người thành công và trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị hoặc kinh tế, ví dụ như Tổng thống John F. Kennedy. Cũng có những người ngày càng lụi bại, bất kể xuất phát điểm của họ thế nào.
Dựa trên kết quả từ những người thành công, các nhà nghiên cứu rút ra một kết luận: Các mối quan hệ cá nhân đóng vai trò rất quan trọng. Robert Waldinger, giám đốc dự án cho hay: "Thông điệp rõ ràng nhất chúng tôi nhận được từ nghiên cứu là, các mối quan hệ tốt là chìa khóa giúp chúng ta hạnh phúc, thành công và khỏe mạnh hơn".
Robert Waldinger, giám đốc của dự án "Nghiên cứu về sự phát triển của người trưởng thành" kéo dài đã 76 năm và vẫn đang tiếp tục thực hiện. Ảnh: Pinterest.
1. Người thành công thường có nhu cầu nhiều hơn về thiết lập các mối quan hệ xã hội.
Những người tham gia nghiên cứu, đạt được những thành công trong cuộc đời đều có điểm chung là xây dựng các mối quan hệ xã hội rất tốt. Dù có xuất phát điểm không tốt, nhưng theo thời gian chất lượng sống của họ cải thiện hẳn.
Một số người nghĩ, chỉ sống theo ý thích bản thân, không cần quan tâm tới suy nghĩ của người khác thì đó mới là hạnh phúc. Đó là sai lầm. "Những ai càng làm rạn nứt mối quan hệ xung quanh thì càng khó xoay sở, từ công việc cho tới cuộc sống", Robert Waldinger nói.
2. Coi trọng chất lượng các mối quan hệ hơn là số lượng
"Việc quen thân bao nhiêu người không phải là vấn đề, quan trọng là xây dựng những mối quan hệ thân thiết", giám đốc dự án nghiên cứu của Harvard chia sẻ.
Ông chỉ ra rằng, trong số những người tham gia nghiên cứu, người thành công trong sự nghiệp, gia đình êm ấm, có mối quan hệ thân thiết... thường hạnh phúc hơn. Nguyên nhân đến từ năng lượng tích cực họ đã lan tỏa cũng như cách họ xử lý các mối quan hệ. Dù thế nào thì nhóm người này không chọn phương án cực đoan để giải quyết vấn đề mà tìm kiếm phương pháp hài hòa để cân bằng mọi khía cạnh.
3. Có tầm nhìn và nhận thức rộng lớn hơn để hiểu giá trị của lòng tốt
Những người thường xuyên giúp đỡ người khác dễ dàng xây dựng nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn. Giống như câu nói "Hãy tặng ai đó một bông hồng, và bàn tay bạn sẽ tỏa hương thơm."
Thông thường, sau khi trợ giúp người khác, họ đều có thể nhận được "phần thưởng" tương xứng. Nhóm người này sau khi trưởng thành đa phần lựa chọn nghề nghiệp như bác sĩ, luật sư hoặc chính trị gia.
Đến nay, gần 60 trong số hơn 700 nam giới tham gia nghiên cứu vẫn còn sống. Ngoài việc vẫn tiếp tục là những đối tượng được nghiên cứu thì hơn 2.000 con cháu họ cũng tham gia quá trình này.
Theo Robert Waldinger, nghiên cứu khoa học này khẳng định một điều: "Cuộc sống tốt đẹp được xây dựng dựa trên các mối quan hệ tốt đẹp. Tìm kiếm được một mức độ cân bằng trong các mối quan hệ chính là chìa khóa then chốt để đạt được thành tựu".
Người giàu nhất thế giới dạy con điều gì về thành công?
Những người sở hữu 7 thói quen hủy hoại sự thành công