1. Cây Thàn mát, Cây duốc cá, Mát đánh cá - Milletia ichthyochtona Drake, thuộc họ Ðậu - Fabaceae.
Thàn mát hay còn gọi mát đánh cá, mác bát, thăn mút, cây duốc cá, (Tên khoa học: Millettia ichthyochtona) là một loài thực vật có hoa trong họ Đậu. Loài này được Drake miêu tả khoa học đầu tiên.
Tại miền bắc Việt Nam cây Thàn mát dễ gây nhầm lẫn với cây Sưa (Dalbergia tonkinensis) do hình dáng và kích thước lá chét khá tương đồng, màu hoa trắng, hoa mọc thành chùm và cũng nở trước khi lá mọc đầy đủ, thời gian nở hoa trùng lặp và thân cây cũng cùng dạng thân hợp trục.
Hoa cây Thàn Mát
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Thàn mát
Mô tả: Cây to cao 10-15m. Cành màu nâu đỏ có chấm trắng. Lá có kích thước lớn, kép lông chim 2 lần, rất nhẵn. Hoa trắng, xếp thành chùm nách nằm ở gốc các nhánh hằng năm. Quả thót lại từ 1/3 trên đến tận gốc, có mũi nhọn dài, mỏng không có cánh và không mép lồi. Hạt đơn độc hình bầu dục, dẹt, màu nâu nhạt đến nâu cánh gián.
Hoa tháng 3-4, quả tháng 5-7 cho tới tháng 2-3 năm sau.
Bộ phận dùng: Rễ, thân - Radix et Caulis Milletiae Ichthyochtonae.
Nơi sống và thu hái: Có nhiều trên các vùng đá vôi vùng Tây Bắc, Hoà Bình, Lạng Sơn, Bắc Thái và nhiều nơi khác. Cây cũng được trồng quanh các làng làm cây bóng mát. Thu hái quả già, đập lấy hạt phơi khô.
Thành phần hóa học: Hạt chứa 38% chất dầu màu nâu thơm và các chất độc đối với cá như rotenon, sapotoxin, chất gôm và các chất albumin.
Tính vị, tác dụng: Rễ, thân có vị đắng, tính mát; có tác dụng khư phong, trừ thấp, chống ngứa. Hạt có độc; có tác dụng sát trùng, trừ sâu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hạt thường được dùng để duốc cá: tán nhỏ, trộn với tro bếp, rắc vào dòng nước suối đã ngăn lại, cá sẽ chết và nổi lên. Hạt tán nhỏ, thêm nước phun để diệt chấy, rận. Hạt giã nhỏ, gói vào vải thấm nước xát vào các nốt ghẻ để trị ghẻ. Cũng có thể dùng hạt nấu thành cao cho đặc rồi chế thuốc mỡ 10% bôi ngày 2 lần để trị ghẻ.
Ở Vân Nam (Trung Quốc) rễ, thân nấu nước dùng ngoài rửa các vết lở loét; dùng trị mụn lở, bệnh mẩn ngứa, nấm.