1. Cây Lười ươi - Scaphium lychnophorum (Hance) Kost. (Sterculia lychnophora Hance), thuộc họ Trôm - Sterculiaceae.
Hạt lười ươi
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Lười ươi
Mô tả: Cây to cao 20-25m hay hơn; cành có góc, lúc non có lông màu hung, về sau nhẵn. Lá mọc tập trung ở đỉnh cành; phiến to dài 10-20cm, rộng 6-12cm, thông thường có 3 thuỳ nhất là lá lúc còn non, màu bạc sáng, không lông; cuống lá dài 10-30cm. Hoa nhỏ. Quả nang với 1-5 quả đại cao 10-15cm (tới 24cm) mặt ngoài màu đỏ, mặt trong màu lục, vỏ quả mỏng. Hạt to bằng ngón tay hình bầu dục hay thuôn dài 2,5-3,5cm, rộng 1,2-2,5cm, màu đỏ nhạt, đính ở gốc của quả.
Hoa tháng 1-3, quả tháng 6.
Bộ phận dùng: Hạt - Semen Scaphii Lychnophori, thường gọi là Bạng đại hải.
Nơi sống và thu hái: Cây phổ biến ở miền Nam nước ta, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Kontum, Bình Thuận, Đồng Nai đến Tây Ninh. Vào tháng 4-5, người ta thu hoạch hạt phơi hay sấy khô. Khi đem ngâm nước, vỏ trong của hạt ngấm nước làm cho hạt nở to gấp 8-10 lần thể tích khi khô và cho ra một chất nhầy màu nâu nhạt, trong, vị hơi chát và uống mát. Người ta thường thêm đường vào trong mủ cây này để uống giải khát.
Thành phần hoá học: Hạt Lười ươi gồm hai phần, phần nhân chiếm khoảng 35% và phần vỏ chiếm 65%. Trong nhân có chất béo (2,98%), tinh bột và sterculin, bassorin. Trong vỏ có khoảng 1% chất béo, 59% bassorin, chất nhầy và tanin. Phần đường trong hạt gồm chủ yếu là galactose, pentose và arabinose.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính hàn; có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi yếu hầu, thanh trường thông tiện.
Công dụng: Chữa các bệnh nhiệt, nóng chưng sốt âm, ho khan, đau họng, nhức răng, đau mắt đỏ, lao thương thổ huyết, đại tiện ra máu, máu nóng mụn lở.
Hạt lười ươi được coi là một loại thuốc bổ mát, thêm tân dịch có thể dùng nhiều hay dùng luôn, không hại. Thường ngày có thể dùng vài ba hạt cho vào cốc nước nóng ngâm một lúc cho hạt nở ra rồi thêm đường vào cho đủ ngọt uống giải khát và trừ các bệnh nhiệt, trị các chứng đau ruột và các bệnh về đường tiêu hoá.
Lá cay Lười ươi