Theo Y học cổ truyền, những đường kinh ảnh hưởng đến việc ra mồ hôi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân là đường kinh tâm, tâm bào và tiểu trường (nằm ở bàn tay) và đường kinh thận (nằm ở bàn chân). Bệnh ra mồ hôi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân biểu hiện thường xuyên, có người mồ hôi chảy thành giọt. Bệnh biểu hiện nặng là mồ hôi toát ra liên tục (ra không tự chủ), một số trường hợp kèm theo ra mồ hôi nhiều ở da đầu hoặc toàn thân ảnh hưởng rất lớn đến công việc và sinh hoạt cá nhân hằng ngày.
Lương y Lê Xuân Hải, chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa cho biết, người bị ra mồ hôi ở chân tay nhiều cần được thăm khám biết rõ nguyên nhân để được điều trị phù hợp.
Có 3 thể bệnh:
Phong thấp
Người bị phong thấp, bàn chân tay lạnh toát kèm theo bụng đầy, người mệt mỏi. Phong thấp gây nên tình trạng thoát dương khí ra ngoài gọi là dương hư (dương hư sinh ngoại hàn) nên bàn chân, bàn tay lạnh; do đường dẫn khí ra các thần kinh ở tay, ở chân bị rối loạn hoặc tắc nghẽn.
- Cần dùng bài thuốc trị phong thấp.
- Sinh hoàng kỳ 20 g, quế chi 12 g, bạch thược 12 g, ý dĩ 20 g, táo 3 quả, cam thảo 4 g, bạch truật, 12 g, xương truật 12 g, tỳ giải 12 g, ô dược 12 g, trạch tả 12 g.
Cách dùng: Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát, chia thành 3 lần uống trong một ngày. Lưu ý, người dùng thuốc cần kiêng thịt gà, ngan, vịt, ốc hến.
Tâm âm hư
Người bị tâm âm hư thường do xúc động về tình chí (tâm lý) như lo lắng, công việc quá căng thẳng, xúc động mạnh… Những người này thường hay hồi hộp, tim đập nhanh, hoa mắt và hoảng loạn.
- Cần dùng bài thuốc bổ tâm âm.
- Táo nhân 12 g, phục thần 12 g, viễn chí 12 g, mạch môn 12 g, đan sâm 12 g, huyền sâm 12 g cam thảo 4 g, táo 3 quả.
Cách dùng: Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát, chia thành 3 lần uống trong một ngày. Chú ý, người uống thuốc cần kiêng đồ cay nóng, chất kích thích như rượu bia, cà phê.
Thận âm hư
Người bị thận âm hư, bàn chân, tay nóng ran nhất là về chiều tối. Ngoài ra còn có các biểu hiện như nước tiểu đỏ, đau lưng, đi ngoài táo, hay hồi hộp…
- Cần dùng bài thuốc bổ thận âm, ức chế tâm hỏa.
- Sinh địa 20 g, mạch môn 12 g, ngưu tất 12 g, ngũ vị 12 g, bạch thược 12 g, sinh hoàng kỳ 16 g, quế chí 12 g.
Cách dùng: Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát, chia thành 3 lần uống trong một ngày.
Lương y Hải khuyến cáo, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần vệ sinh chân tay sạch sẽ, để khô thoáng, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress và có chế độ ăn uống hợp lý. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng lá lốt đã sao để đun uống hằng ngày sẽ giúp cải thiện bệnh.
Đọc thêm bài liên quan Vã nhiều mồ hôi sử dụng những bài thuốc đông y này rất hiệu quả
Tóm lại, đổ mồ hôi tay chân có thể là do rối loạn thần kinh thực vật hoặc là triệu chứng của một số bệnh lý như cường giáp, nhiễm độc, rối loạn nội tiết,... Đổ mồ hôi tay chân không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tác động không nhỏ đến cuộc sống và công việc.