Nguyên nhân sinh bệnh và phương pháp điều trị
Theo y học cổ truyền, tự hãn là trường hợp bất cứ lúc nào tự nhiên mồ hôi chảy ra đầm đìa, còn đạo hãn thì lúc ngủ mồ hôi mới chảy ra ướt khắp mình như tắm, khi tỉnh dậy thì hết.
Tự hãn là do dương hư, làm cho phần biểu không vững chắc, nên mồ hôi dễ thoát ra. Còn đạo hãn là do âm hư, không thể nuôi dưỡng tốt phần lý và liễm tàng ở trong lý, nên khi ngủ mồ hôi thoát ra ngoài.
Nguyên nhân gây tự hãn, ra mồ hôi thường là dương hư, khí hư, khí huyết hư. Nguyên nhân gây ra mồ hôi trộm thường là âm hư hoặc âm và khí hư. Ngoại tà gây ra mồ hôi thường là phong thấp, ôn nhiệt, thấp nhiệt.
Trong điều trị, về nguyên tắc phải chữa nguyên nhân, nếu có hư thì phải bổ, nếu do ngoại tà thì phải tả, đồng thời phải bù tân dịch do mồ hôi bị thoát ra ngoài.
Đổ mồ hôi là cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thần kinh của chúng ta tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Đổ mồ hôi cũng hay thường xảy ra, đặc biệt trong lòng bàn tay khi chúng ta lo lắng. Thể thường gặp nhất của tăng tiết mồ hôi được gọi là tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát.
Bài thuốc điều trị ra mồ hôi lúc thức (tự hãn)
Ban ngày vô cớ ra mồ hôi, đồng thời có sợ gió lạnh, dễ bị cảm, thường là do vệ khí hư, cần bổ vệ khí và khu phong:
- Dùng bài: Hoàng kỳ 8g, bạch truật 16g, phòng phong 8g, đẳng sâm 10g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 4g
- Cách dùng: Cho 800ml nước sắc còn 200ml nước, sắc 2 lần, 2 ngày uống một thang.
Người gầy yếu, mới ốm nặng dậy có vã mồ hôi thường do khí huyết hư... cần phải bổ cả khí và huyết:
- Dùng bài: Nhân sâm 8g, nhục quế 8g, ngũ vị tử 5g, địa hoàng 15g, phục linh 8g, bạch truật 10g, cam thảo 5g, hoàng kỳ 15g, đương quy 10g, bạch thược 8g.
Tất cả các vị sấy khô, tán bột, làm hoàn với mật ong, mỗi viên 2g, ngày uống 4 viên chia làm 2 lần.
Trường hợp dùng thuốc làm ra mồ hôi quá liều (xông, thuốc cảm) làm mồ hôi cứ chảy liên tục không dứt, thường do khí hư, cần phải bổ khí: Có thể ngậm những lát nhân sâm để bổ khí, mồ hôi sẽ ngừng ra.
Trường hợp sản phụ sau sinh bị mất máu nhiều hoặc mất máu nhiều do nguyên nhân khác có vã mồ hôi hột (choáng mất máu), đó là do khí thoát theo với huyết thoát... cần bổ nguyên khí:
- Dùng bài: Độc sâm thang, nhân sâm 6-8g sắc uống.
Trường hợp vã mồ hôi hột lại thêm chân tay lạnh toát, mạch khó bắt, đó là do cả dương và khí đều thoát, cần bổ cả dương và khí (hồi dương cứu nghịch):
Dùng bài: Nhân sâm 8g, phụ tử 8g, sắc uống.
>> Chữa bệnh đổ mồ hôi chân tay bằng lá lốt
>> Chữa đổ mồ hôi trộm, táo bón ở trẻ em bằng cây rau ngót