1. Cây Chua me lá me, Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum (L.) DC., thuộc họ Chua me đất - Oxalidaceae.
Ở nước ta chưa thấy dùng làm thuốc. Chỉ thấy có người dùng lá nấu với rau muống cho có vị chua mát. Có thể nghiên cứu dùng chứa bệnh đái tháo đường như ở Philipinnes.
Còn gọi là lá chua me. Tên khoa học Biophytum sensitivum (Lour.)DC. (Oxalis sensitiva Lour., Biophytum candolleanum Wight)
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Chua me lá me
Mô tả: Cây thảo cao chừng 20cm, thân không phân nhánh thường có màu đỏ tía, phủ lông mềm hướng về phía dưới. Lá tập trung ở ngọn thân thành một bó 15-20 lá, dài 7-12cm kép lông chim chẵn, gồm 10-14 đôi lá chét không cuốn mỏng, cứng, nhẵn, có kích thước lớn dần từ dưới lên trên, lá có thể cụp lại khi bị va chạm như lá mắc cỡ. Cụm hoa có cuống dài ở ngọn thân, thường ngắn hơn lá. Hoa màu vàng có cuống ngắn. Quả nang mang đài tồn tại, có 5 ô. Hạt nhỏ, màu đen, hình cầu.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Biophyti Sensitivi.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ, Malaixia mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta. Cũng thường được trồng. Trồng vào cuối mùa đông, đến tháng 2-3, đã có thể thu hái cành lá. Ở Gia Lâm (Hà Nội), nhân dân trồng cây này, hái lá kẹp lại thành từng xếp bán vào lúc thiếu các loại rau gia vị. Thu hái cây quanh năm, dùng tươi hay thu hái cả cây vào mùa hè, phơi khô.
Thành phần hoá học: Cây chứa một hoạt chất tương tự insulin
Tính vị, tác dụng: Chua me lá me có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, cầm máu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nhân dân thường lấy cành lá luộc với rau Muống cho có vị chua mát hoặc nấu giấm chua với cá. Thường được dùng làm thuốc chữa nóng ruột, xót ruột, viêm ruột ỉa chảy và ho ra máu, đái ra máu.
Ở Ấn Độ, lá được dùng lợi tiểu; hạt nghiền ra đắp mụn nhọt; nước sắc rễ dùng trị lậu và bệnh sỏi thận; tro cây lợi tiêu hoá.