Hội nghị thể hiện mong muốn hỗ trợ các quốc gia khai phá tiềm năng của Y học cổ truyền, đồng thời xây dựng cơ sở bằng chứng và dữ liệu để góp phần sử dụng Y học cổ truyền an toàn, tiết kiệm và công bằng.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhu cầu về Y học cổ truyền ngày càng tăng ở các quốc gia, cộng đồng và nền văn hóa. Y học cổ truyền là sự bổ sung đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm, các vấn đề sức khỏe tâm thần và đem đến sự "lão hóa khỏe mạnh".
"Y học cổ truyền có thể đóng vai trò xúc tác và quan trọng để đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân. Đưa Y học cổ truyền trở thành xu hướng chăm sóc sức khỏe - một cách phù hợp, hiệu quả và trên hết là an toàn dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất - có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận cho hàng triệu người trên thế giới" - ông Tedros nhấn mạnh.
WHO nhấn mạnh Y học cổ truyền đã đóng góp vào nhiều khám phá y học đột phá, giúp xác định nhiều loại thuốc mới và khi được kết hợp với các công nghệ tiên tiến sẽ hứa hẹn mở ra những biên giới kiến thức mới.
Thông qua hội nghị, WHO đề nghị các quốc gia thành viên xem xét tích hợp Y học cổ truyền và y học bổ sung vào hệ thống y tế quốc gia; cung cấp thông tin cho chiến lược toàn cầu về Y học cổ truyền tiếp theo của WHO…
Theo thông cáo báo chí của WHO, đây là lĩnh vực được tập trung thúc đẩy từ năm 2014 với chiến lược 10 năm toàn cầu đầu tiên cho Y học cổ truyền và hiện được gia hạn 2 năm trước khi xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn 2025 - 2034.
Vào năm ngoái, Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO cũng được thành lập tại TP Jamnagar - Ấn Độ.
Đọc thêm Lịch sử phát triển Y học cổ truyền Việt Nam
Theo nld