Các dược liệu cần phải được chế biến, bào chế thành các dạng thuốc cổ truyền (thang thuốc, cao thuốc, viên hoàn... đông y) hoặc dạng bào chế hiện đại (viên nén, viên nang...) để đưa đến người sử dụng.
Tại chương trình Giao lưu trực tuyến "Xây dựng nền công nghiệp chế biến dược liệu đủ mạnh để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao" vừa được Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y Dược cổ truyền tổ chức, PGS. TS. Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ về giải pháp thúc đẩy công nghiệp chế biến dược liệu.
Theo PGS. TS. Lê Văn Truyền, để có các sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng thì doanh nghiệp phải tuân thủ các hướng dẫn quốc tế đã được cơ quan quản lý nhà nước về dược và y học cổ truyền được cụ thể hóa trong các thông tư, hướng dẫn về chế biến và sản xuất thảo dược. Ví dụ: Ứng dụng GACP, nghiên cứu và phát triển các dạng bào chế thuốc y học cổ truyền cũng như dược thảo nói chung.
Đồng thời cần đầu tư các dây chuyền chế biến dược liệu hiện đại, quy mô công nghiệp thông qua các thiết bị hiện đại. Xây dựng các tiêu chuẩn của dược liệu, các dạng cao chiết và thành phẩm. Đặc biệt chú ý tiêu chuẩn hóa về hàm lượng hoạt chất hoặc trong trường hợp chưa xác định được hoạt chất thì cần xác định hàm lượng của chất đánh dấu để chứng minh sự hiện diện của dược liệu trong chế biến dược phẩm.
Trong điều kiện có thể cần chuyển đổi các dạng bào chế cổ truyền như cao thuốc, cồn thuốc, thuốc sắc thành các dạng bào chế hiện đại quy mô công nghiệp... để phù hợp với nhu cầu của người sử dụng trong bối cảnh công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Đối với các thuốc từ dược liệu hoặc thuốc y học cổ truyền có nhu cầu lớn các nhà sản xuất cần có kế hoạch đầu tư các nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP để có thể sản xuất ở quy mô lớn, cung cấp cho nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Chia sẻ với bạn đọc, PGS. TS. Lê Văn Truyền thông tin, công nghiệp chế biến/bào chế dược liệu ở Việt Nam đi lên từ các cơ sở bào chế đông dược nhỏ lẻ. Trước năm 1975 Việt Nam có nhà máy Dược phẩm TW3 chuyên về sản xuất thuốc dược liệu. Sau 1975 trên toàn quốc có 3 nhà máy sản xuất thuốc dược liệu và rất nhiều các hợp tác xã sản xuất đông dược.
Công nghiệp chế biến dược liệu có vai trò quan trọng để bảo toàn các hoạt chất.
Công nghiệp hiện đại chế biến/bào chế dược liệu đòi hỏi sự đầu tư lớn về công nghệ bào chế/chế biến và kỹ thuật cao để phân tích các thành phần, hoạt chất (HPLC, HPLC-MS...). Chỉ có các nhà máy dược phẩm mới có khả năng đầu tư và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật...
Đến nay, nhiều doanh nhân/dược sĩ đã đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến/sản xuất thuốc từ dược liệu hiện đại. Hy vọng, Quyết định 576 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 về "chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu đến năm 2030, tầm nhìn 2045" sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế biến/bào chế dược liệu.
Đánh giá về ngành công nghiệp dược nước ta, PGS. TS. Lê Văn Truyền nhận định, trong khoảng 1 thập kỷ gần đây, nhiều nhà máy dược phẩm Việt Nam đã từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chế biến và bào chế dược liệu. Một số nhà máy đã áp dụng công nghệ sấy phun để sản xuất các cao khô/cốm khô dược liệu sử dụng trong bào chế hoặc có thể đóng túi để bệnh nhân sử dụng trực tiếp…
Nêu rõ vai trò của công nghiệp chế biến dược, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng, những thực vật được sử dụng làm cây thuốc, qua kinh nghiệm dân gian hoặc y học cổ truyền đều có chứa những hoạt chất (chất có tác dụng với sức khỏe con người hoặc tác dụng chữa bệnh).
Các dược liệu cần phải được chế biến, bào chế thành các dạng thuốc cổ truyền (thang thuốc, cao thuốc, viên hoàn... đông y) hoặc dạng bào chế hiện đại (viên nén, viên nang...) để đưa đến người sử dụng. Vì vậy, công nghiệp chế biến có một vai trò hết sức quan trọng để bảo toàn được các hoạt chất có giá trị chữa bệnh của cây thuốc/dược liệu.
Đọc thêm bài Hồ sơ thuyết minh dự án trồng dược liệu quý theo chương trình mục ...