1. Cây Mắc cỡ, Xấu hổ, Trinh nữ - Mimosa pudica L., thuộc họ Ðậu - Fabaceae.
Trinh nữ hay Hàm tu thảo (Tên khoa học: Mimosa pudica) còn gọi là cây hổ ngươi, cây xấu hổ, cây mắc cỡ, cây thẹn, cây e thẹn, cỏ thẹn là một loại thực vật sống ít năm thuộc họ Đậu. Loài này có đặc điểm là các lá kép gập vào trong và cụp xuống mỗi khi bị chạm vào hoặc bị rung lắc để tự bảo vệ khỏi tổn hại, rồi mở lại vài phút sau đó. Loài cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Trung Mỹ, nhưng giờ là một loài cỏ dại ở vùng nhiệt đới. Nó có thể được tìm thấy ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Jamaica. Nó phát triển chủ yếu ở những khu vực râm yên tĩnh, ít người sinh sống, dưới gốc cây. Năm 2014, các nhà khoa học của Úc đã phát hiện ra cây trinh nữ có khả năng ghi sự việc đã xảy ra như động vật.
Cây Trinh nữ - Mimosa pudica L
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Mắc cỡ
Mô tả: Cây nhỏ, phân nhiều nhánh, có gai hình móc. Lá kép lông chim chẵn hai lần, nhưng cuống phụ xếp như hình chân vịt, khẽ đụng vào là cụp lại. Mỗi lá mang 15-20 đôi lá chét. Hoa màu tím đỏ, nhỏ, tập hợp thành hình đầu, có cuống chung dài, ở nách lá. Cụm quả hình ngôi sao, quả thắt lại giữa các hạt, có nhiều lông cứng.
Mùa hoa quả tháng 6-8.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Mimosae Pudicae, thường gọi Hàm tu thảo.
Nơi sống và thu hái: Cây của Mỹ châu nhiệt đới được truyền vào nước ta, mọc ở ven đường đi, các bãi cỏ bờ bụi.
Cành lá thu hái vào mùa khô, dùng tươi hay phơi khô. Rễ đào quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.
Thành phần hoá học: Toàn cây chứa alcaloid là minosin và crocetin còn có flavonosid, các loại alcol, acid amin, acid hữu cơ. Hạt chứa chất nhầy, lá chiết ra một chất tương tự adrenalin. Trong lá và quả đều có selen.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, se, tính hơi hàn, có ít độc, có tác dụng an thần, dịu cơn đau, long đờm, chống ho, hạ nhiệt, tiêu viêm, lợi tiệu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: thường dùng trị
1. Suy nhược thần kinh, mất ngủ;
2. Viêm phế quản;
3. Suy nhược thần kinh ở trẻ em;
4. Viêm kết mạc cấp;
5. Viêm gan, viêm ruột non;
6. Sỏi niệu;
7. Phong thấp tê bại;
8. Huyết áp cao. Dùng 15-25g dạng thuốc sắc. Người có thai không dùng. Dùng ngoài trị chấn thương, viêm mủ da. Dùng tươi giã đắp.
Rễ cây cũng được dùng uống trị sốt rét, kinh nguyệt khó khăn, hen suyễn, dùng gây nôn. Hạt dùng trị hen suyễn và gây nôn.
Ở Ðôminica nước hãm của Mắc cỡ Cỏ voi (Panicum maximum) dùng điều trị bệnh phổi.
Ðơn thuốc:
1. Suy nhược thần kinh, mất ngủ: Mắc cỡ 15g, dùng riêng hoặc phối hợp với Cúc bạc đầu 15g. Chua me đất 30g sắc uống hằng ngày vào buổi tối.
2. Viêm phế quản mạn tính: Mắc cỡ 30g, rễ lá Cẩm 16g sắc uống, chia làm hai lần trong ngày.
3. Ðau ngang thắt lưng, nhức mỏi gân xương: Rễ Mắc cỡ rang lên, tẩm rượu rồi lại sao vào 20-30g sắc uống, dùng riêng hay phối hợp với rễ Cúc tần và bưởi bung, mỗi vị 20g, rễ Ðinh lăng và Cam thảo dây, mỗi vị 10g.
4. Huyết áp cao (đơn thuốc có kinh nghiệm của lương y Ðỗ Văn Tranh): Hà thủ ô 8g, trắc bá diệp 6g. Bông sứ cùi 6g, Câu đằng 6g, Tang ký sinh 8g, Ðỗ trọng 6g, mắc cỡ gai 6g. Lá vông nem 6g, hạt Muồng ngủ 6g, Kiến cò 6g Ðịa long 4g sắc uống. Có thể tán bột, luyện thành viên uống hàng ngày.
Toàn cây mắc cỡ thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, sắc uống hàng ngày thay trà trị bệnh nhức mỏi và sưng phù.
3. Lợi ích sức khoẻ của cây Mắc cỡ, Xấu hổ, Trinh nữ - Mimosa pudica L
Cây Mắc Cỡ, còn được gọi là cây Xấu Hổ hoặc Trinh Nữ (Mimosa pudica L.), là một loài cây thảo dược phổ biến trong y học cổ truyền với nhiều công dụng quan trọng đối với sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng chính của cây Mắc Cỡ:
Chống viêm và giảm đau:
- Cây Mắc Cỡ có tác dụng chống viêm và giảm đau, thường được sử dụng để điều trị các bệnh viêm khớp, viêm nhiễm và các tình trạng đau nhức. Các thành phần trong cây này giúp làm giảm viêm và đau một cách tự nhiên mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
An thần và giảm lo âu:
- Cây Mắc Cỡ được biết đến với tác dụng an thần nhẹ, giúp giảm căng thẳng, lo âu và hỗ trợ giấc ngủ. Nó thường được sử dụng để điều trị các chứng mất ngủ và căng thẳng thần kinh.
Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ:
- Cây này có tác dụng làm co thắt mạch máu, giúp giảm các triệu chứng của bệnh trĩ như đau, ngứa và chảy máu. Lá của cây thường được sử dụng để đắp hoặc sắc uống trong các bài thuốc trị bệnh trĩ.
Kháng khuẩn và kháng viêm:
- Các nghiên cứu cho thấy cây Mắc Cỡ có hoạt tính kháng khuẩn, giúp tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Điều này làm cho cây trở thành một thành phần quan trọng trong các bài thuốc trị nhiễm trùng và viêm nhiễm.
Điều trị các bệnh về đường hô hấp:
- Cây Mắc Cỡ được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm phế quản và hen suyễn. Các chất trong cây giúp làm dịu niêm mạc và giảm các triệu chứng khó chịu của các bệnh này.
Giúp điều trị tiểu đường:
- Một số nghiên cứu cho thấy cây Mắc Cỡ có thể giúp hạ đường huyết và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường nhờ vào khả năng điều chỉnh mức đường huyết trong cơ thể.
Hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa:
- Cây Mắc Cỡ có thể giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, làm giảm triệu chứng táo bón và các vấn đề về tiêu hóa khác. Nó cũng có tác dụng thanh nhiệt và giải độc cơ thể.
Nhờ vào những tác dụng này, cây Mắc Cỡ là một loài thảo dược quý giá trong y học cổ truyền, được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng cây này cần được thực hiện cẩn thận và theo chỉ dẫn của các chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
4. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN THÀNH THUỐC DƯỢC LIỆU ĐIỀU TRỊ XƠ PHỔI VÔ CĂN CỦA CAO CHIẾT TỪ CÂY XẤU HỔ (MIMOSA PUDICA L.):
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU TIỀN LÂM SÀNG MỚI CÔNG BỐ CỦA HÓM NGHIÊN CỨU DƯỢC LÝ – DƯỢC LIỆU (TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI) TRÊN TẠP CHÍ JOURNAL OF ETHNOPHARMACOLOGY
Xơ phổi vô căn (Idiopathic Pulmonary Fibrosis, IPF) là bệnh lý phổi kẽ mạn tính, một dạng xơ hóa phổi tiến triển không rõ nguyên nhân với thời gian sống thêm trung bình chỉ 3 năm sau chẩn đoán. Mặc dù là một bệnh hiếm, xu hướng gia tăng trong tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đặc biệt cao của bệnh lý này đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 hoạt chất là nintedanib và pirfenidone được phê duyệt cho điều trị xơ hóa phổi vô căn. Gần đây, sự xuất hiện của di chứng xơ phổi hậu COVID-19 với nhiều đặc điểm bệnh học tương tự xơ hóa phổi vô căn nhấn mạnh sự cần thiết và cấp thiết trong nghiên cứu và phát triển các thuốc chống xơ phổi mới.
Xấu hổ, tên khoa học Mimosa pudica L, thuộc họ Đậu (Fabaceae), là dược liệu mọc hoang nhiều nơi tại Việt Nam. Mặc dù công dụng liên quan đến điều trị các bệnh về phổi của Xấu hổ ít được đề cập trong y học cổ truyền, các nghiên cứu trước đây của nhóm nghiên cứu cho thấy dược liệu này có tác dụng gây giãn phế quản và chống viêm tại phổi. Các chất có mặt trong Xấu hổ như L-mimosine, luteolin, apigenin cũng đã được chứng minh có tác dụng chống xơ phổi thực nghiệm. Nghiên cứu hiện tại là công trình đầu tiên hướng tới khám phá vai trò tiềm năng của Xấu hổ trong điều trị xơ phổi.
Nghiên cứu này sử dụng mô hình gây xơ phổi do bleomycin trên chuột nhắt, kết hợp với dược lý phân tử chuyên sâu để đánh giá tác dụng chống xơ phổi và khám phá cơ chế tác dụng của Xấu hổ. Kết quả cho thấy cao chiết Xấu hổ với hàm lượng flavonoid toàn phần 2,97% ức chế mạnh các giai đoạn khác nhau trong cơ chế sinh lý bệnh của xơ phổi vô căn, bao gồm đáp ứng viêm tế bào biểu mô phế nang, quá trình chuyển dạng biểu mô-trung mô, quá trình tăng sinh và biệt hóa nguyên bào sợi phổi. Do đó, cao chiết Xấu hổ có thể đóng góp tới cải thiện vi môi trường viêm-xơ hóa tại phổi, giảm quần thể nguyên bào sợi phổi và ức chế sản xuất phức hợp nền ngoại bào gây xơ hóa. Về mặt cơ chế phân tử, các tác dụng này liên quan đến tác động của cao chiết Xấu hổ trên một số con đường tín hiệu chuyên biệt trong tế bào biểu mô phế nang và nguyên bào sợi phổi, đặc biệt là con đường MAPK/FOXO3. Các kết quả này là tiền đề để tiếp tục nghiên cứu và phát triển dược liệu Xấu hổ trong điều trị xơ hóa phổi vô căn.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology (chỉ số IF = 5,4; Q1: Pharmacology). Đây là kết quả của đề tài trọng điểm cấp Trường do TS Nguyễn Quỳnh Chi, Bộ môn Dược liệu (Khoa Dược liệu – Dược học cổ truyền) chủ trì, với sự phối hợp của nhóm nghiên cứu dược lý do PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh và TS. Phạm Đức Vịnh phụ trách.